Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu bên trong dạ dày, thuộc về cấp cứu ngoại khoa tiêu hoá. Nó như vậy để chứng tỏ về mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Mọi người cần phát hiện sớm để được điều trị kịp thời, bởi rất có thể người bệnh sẽ vì mất máu quá nhiều mà tử vong. Dưới đây là những kiến thức cơ bản nhất về dấu hiệu, nguyên nhân và cách sơ cứu bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá. Hãy cùng đón đọc trong bài viết này:
Nội dung bài viết
Dấu hiệu xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày là một bệnh lý vô cùng nghiêm trọng, nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Đây là một cấp cứu ngoại khoa phải được thực hiện trong bệnh viện, nơi có đủ cơ sở vật chất, thuốc men và các máy móc cần thiết. Dưới đây là 5 dấu hiệu điển hình để nhận biết các trường hợp xuất huyết trong dạ dày:
Đau dữ dội vùng thượng vị
Tổn thương nặng nề niêm mạc dạ dày gây xuất huyết sẽ có biểu hiện là đau dữ dội vùng bụng trên rốn (thượng vị) là vị trí tương ứng của dạ dày trong ổ bụng. Cơn đau sẽ ngày càng nghiêm trọng có thể lan rộng ra khắp bụng. Đau kèm theo căng cứng, người bệnh tái nhợt và ra mồ hôi hột. Đây là dấu hiệu cảnh báo cấp cứu cần được phát hiện sớm để đưa bệnh nhân đến các cơ sở Y tế xử trí.
Thay đổi sắc tố da
Dạ dày bị xuất huyết là hệ quả của các biến chứng bệnh lý như viêm loét hoặc nhiễm trùng. Bệnh thường diễn biến trong một thời gian khá dài. Điều đó khiến cho cơ thể bị kém hấp thụ, rối loạn chức năng tiêu hóa. Hơn thế nữa xuất huyết này cũng có thể diễn ra âm thầm trước đó, mức độ nhẹ nên không dễ phát hiện ra. Bởi vậy nên da, niêm mạc của những người này không được tươi sáng, hồng hào như người bình thường. Cần phải có sự quan sát kĩ mới phát hiện ra được bất thường.
Nôn ra máu
Triệu chứng có giá trị chẩn đoán cao trong xuất huyết tại dạ dày đó chính là nôn ra máu. Hầu hết các bệnh nhân bị xuất huyết đều sẽ có triệu chứng này. Biểu hiện đầu tiên chỉ là cảm giác đầy chướng bụng, buồn nôn. Sau đó là nôn. Chất nôn sẽ bao gồm dịch, thức ăn, có thể kèm máu tươi hoặc máu đen. Nếu là máu tươi chứng tỏ tình trạng xuất huyết vẫn đang diễn ra trong dạ dày. Còn máu đen là do xuất huyết đã được một thời gian. Dù là máu tươi hay máu đen thì đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo. Nhất là trong trường hợp số lượng máu nhiều, nôn liên tục sẽ gây mất nước, mất máu, trụy tuần hoàn nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân cần được kịp thời giảm nôn, bù dịch, cầm máu, truyền máu (nếu mất quá nhiều).
Đi ngoài ra máu
Ngoài nôn ra máu ở trên thì kèm theo đó người bệnh cũng có dấu hiệu đi ngoài ra máu. Đặc điểm của đi ngoài ra máu là phân có màu đen như bã cà phê, mùi phân hôi, điển hình của tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Đánh giá mức độ xuất huyết nhiều hay ít có thể một phần dựa vào lượng phân càng nhiều và màu sắc càng đậm thì càng nặng.
Có dấu hiệu thiếu máu
Xuất huyết kéo dài hoặc xuất huyết nhiều khiến cho một lượng máu lớn. Cơ thể sẽ bị thiếu máu nghiêm trọng. Hàng loạt các triệu chứng của thiếu máu sẽ là da, niêm mạc nhợt, mặt tái xanh, chân tay lạnh, và mở hôi, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, tụt huyết áp…
Cảnh báo 7 nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc tìm hiểu và nắm rõ các nguyên nhân này sẽ giúp cúng ta phòng bệnh hiệu quả hơn. Các nguyên nhân thường gặp nhất là:
Viêm loét dạ dày tá tràng
Đây là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xuất dạ dày. Viêm loét nếu không điều trị sớm, cá ổ loét sẽ ăn sâu vào các lớp cơ dạ dày và gây tổn thương các mạch máu. Ở thể nhẹ thì chỉ có các mao mạch nhỏ bị ảnh hưởng, một lượng máu nhỏ chảy ra những cơ chế cầm máu của cơ thể rất nhanh sẽ làm máu ngừng chảy lại. Trường hợp này ít gây ảnh hưởng lớn. Nhưng nếu tổn thương đến động mạch thì máu sẽ chảy ồ ạt và rất khó cầm.
Ung thư dạ dày (K dạ dày)
Một trong những nguyên nhân cũng rất hay gặp dẫn đến xuất huyết đó là ung thư dạ dày. Các tế bào ung thư phát triển bất thường, xâm chiếm vị trí và gây tổn thương cho mạch máu tân sinh. Các trường hợp ung thư như vậy khi có biến chứng chảy máu thì thường dai dẳng và rất khó để kiểm soát được tình trạng chảy máu.
Bệnh viêm dạ dày cấp tính
Các bạn trẻ hiện nay rất nhiều người bị viêm dạ dày cấp tính nhưng còn khá chủ quan, không điều trị cũng không thay đổi lối sống. Có thể các bạn không biết viêm dạ dày cấp tính cũng có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết. Nguyên nhân là do:
- Sử dụng các thuốc giảm đau như corticoid. aspirin, AISN làm cho niêm mạc dạ dày tổn thương, xuất hiện các vết loét làm yếu đi yếu tố bảo vệ. Không những vậy còn khiến cho dạ dày tăng tiết acid.
- Hội chứng ure máu cao cũng sẽ gây viêm niêm mạc và tăng tính thấm thành mạch tại dạ dày.
- Rượu, bia có chứa các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày dẫn đến tình trạng phù nề, xung huyết và cả xuất huyết.
- Stress: Rất nhiều người bị stress đã từng nhiều hơn một lần bắt gặp các cơn đau đặc trưng ở vùng thượng vị. Không chỉ gây ra các bệnh lý về dạ dày, nó còn làm tăng nguy cơ xuất huyết. Stress sẽ khiến cơ thể tăng tiết acid, phá huỷ yếu tố bảo vệ thành niêm mạc.
- Cúm là một nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp có biến chứng.
- Viêm mao mạch dị ứng trong hội chứng Schonlein – Henoch cũng góp phần tăng nguy cơ gây xuất huyết.
Các bệnh lý về máu
Xuất huyết tại dạ dày có thể không phải là nguyên nhân đến từ tổn thương tại đây mà có thể do nguyên nhân các bệnh lý về máu như:
- Sốt xuất huyết: Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết đó là xuất huyết. Các vị trí cơ quan thường gặp là chảy máu chân răng, chảy máu lợi, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hoá…
- Suy tuỷ gây giảm tiểu cầu, ảnh hưởng đến cơ chế đông máu.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu: Tăng nguy cơ gây xuất huyết tại nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau trong đó có dạ dày.
- Suy gan nặng khiến cho cơ thể khó tổng hợp được các yếu tố đông máu dẫn đến tình trạng xuất huyết tại nhiều vị trí khác nhau. Và xuất huyết trong trường hợp này rất khó cầm.
- Sử dụng vitamin K, thuốc chống đông Heparin khiến cho các yếu tố đông máu bị giảm.
Các nguyên nhân bệnh lý khác
- Tăng áp cửa tại tĩnh mạch trướng của dạ dày.
- Polyp dạ dày tá tràng: Viêm gây chảy máu.
- Thoát vị hoành: Một nguyên nhân khá hiếm gặp. Vị trí thoát vị bị kẹt gây tình trạng thiếu máu dẫn đến hoại tử.
- Phình động mạch dưới niêm mạc trong bệnh Dieulafoy.
- Hội chứng Mallory Weiss làm cho niêm mạc dạ dày chịu tổn thương nghiêm trọng. Xuất huyết càng có nguy cơ cao xảy ra.
- Bệnh về túi thừa: Các túi thừa là túi nhỏ, phình ra trong đường tiêu hoá. Nếu các túi này bị viêm hay nhiễm trùng thì có nguy cơ dẫn đến xuất huyết nếu vị trí túi thừa này là tại dạ dày.
Do chấn thương, lao động nặng nhọc
Chấn thương vùng bụng hoặc mang vác vật nặng gây chèn ép, tác động vào vùng bụng cùng các yếu tố thuận lợi sẽ dễ dàng khiên cho tình trạng xuất huyết dạ dày xảy ra.
Yếu tố tâm lý
Người bệnh vốn có tiền sử các bệnh lý về dạ dày gặp phải các sang chấn tâm lý, stress, căng thẳng, lo âu làm cho các mạch máu bị căng lên. Từ đó dẫn đến tình trạng xung huyết tại những vị trí đang có ổ viêm loét. Và xuất huyết có nguy cơ xảy ra rất cao.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học
Việc ăn những thực phẩm cay nóng, chứa các chất kích thích càng gây kích ứng mạnh lên các vết loét vốn tồn tại trước đó. Bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng hơn và xuất huyết có thể xảy ra là điều dễ hiệu.
Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không
Phải nhắc lại một lần nữa để khẳng định biến chứng xuất huyết dạ dày trong các bệnh lý về dạ dày là vô cùng cấp tính và nguy hiểm. Ở giai đoạn đầu, tình trạng xuất huyết nhẹ nên các triệu chứng và thay đổi cơ thể không có biểu hiện quá rõ rệt khiến người bệnh không lường trước được. Xuất huyết ở mức độ nhẹ thì sẽ gây thiếu máu nhẹ, ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan và hoạt động sống. Còn xuất huyết nặng, máu chảy ra lượng nhiều, ồ ạt sẽ dẫn đến mất máu cấp, tụt huyết áp và truỵ tim mạch. Nếu không xử trí sớm, kịp thời thì người bệnh sẽ tử vong rất nhanh.
Khi phát hiện xuất huyết dạ dày cần sơ cứu như thế nào
Thông thường các dấu hiệu của xuất huyết dạ dày được phát hiện ở những nơi ngoài cơ sở y tế. Bởi vậy người xung quanh không có quá nhiều kinh nghiêm chuyên môn để xử trí. Chính vì vậy mỗi người nên trang bị cho mình những kiến thức sơ cứu đơn giản nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra cho người bệnh. Đối với người bị xuất huyết, nhất là xuất huyết nặng, khi phát hiện thì cần tiến hành những thao tác sau:
- Người bệnh cần nhanh chóng nằm xuống, nghỉ ngơi. Tuyệt đối không nên ngồi hoặc tự ý đi lại, di chuyển.
- Đầu nên đặt nằm thấp hơn để máu có thể dễ dàng lưu thông lên não.
- Hai chân kê cao giúp cho máu dễ dàng theo đường tĩnh mạch đưa về tim.
- Chườm đá vào vùng thượng vị là một trong những cách cầm máu tạm thời lúc này.
- Có thể sử dụng một số loại thuốc cầm máu thông thường.
- Cho người bệnh ăn cháo loãng hoặc pha một cốc nước muối loãng, uống từ từ.
- Nhanh chóng gọi xe cấp cứu và đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để xử trí kịp thời.
Điều trị xuất huyết dạ dày
Điều trị xuất huyết nói chung hoặc xuất huyết dạ dày nói riêng cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn. Các bác sĩ sẽ thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán bệnh chính xác và tình trạng bệnh. Phương pháp điều trị sẽ tuỳ theo mức độ xuất huyết.
Xuất huyết nhẹ:
- Theo dõi tình hình bệnh trong khoảng từ 24 – 48 giờ rồi tiến hành nội soi.
- Nếu tình trạng xuất huyết ổn định sẽ được kê đơn và cho xuất viện.
Xuất huyết nặng:
- Nhanh chóng áp dụng các biện pháp cầm máu có thể dùng thuốc, phẫu thuật… tránh làm mất máu quá nhiều.
- Sử dụng thuốc kháng sinh trong 10-14 ngày phòng bội nhiễm.
- Thuốc chữa lành các vết loét, phục hồi tổn thương trong 6-8 tuần.
Chăm sóc người bị xuất huyết dạ dày
Việc chăm sóc người bị xuất huyết dạ dày sau khi được bác sĩ điều trị cấp cứu cũng là một vấn đề mà bạn cần quan tâm. Nó giúp cho người bệnh có điều kiện tốt nhất để phục hồi, tránh tái phát:
- Người bệnh cần có không gian nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh ồn ào. Không nên vận động nhiều tránh ảnh hưởng tới vết mổ.
- Giường bệnh cần có sự thoải mái, không gối đầu, thả lỏng cơ thể.
- Tránh tình trạng lo lắng, suy nghĩ quá nhiều càng làm dạ dày tiết acid nhiều hơn, bệnh càng nặng. Tinh thần lạc quan, vui vẻ sẽ giúp giải phóng các hormon có tác dụng sữa chữa các tổn thương.
- Nếu tình trạng ổn định, không còn nôn ra máu thì người bệnh có thể ăn cháo loãng, soup hay các loại sữa để bổ sung dinh dưỡng.
- Chườm ấm vào vết mổ để giảm đau sau phẫu thuật.
- Ăn vừa đủ, không nên ăn no quá và cũng không để cơ thể bị đói quá lâu.
- Nên ăn các loại thức ăn được chế biến dưới dạng hầm nhừ, nghiền nát, luộc kỹ để tránh cho dạ dày phải hoạt động quá nhiều.
- Các loại thực phẩm được khuyến khích dành cho người bị xuất huyết như thực phẩm có chứa hoạt chất chống viêm (đu đủ, nghệ, việt quất, dây tây, súp lơ…), thực phẩm giàu chất xơ nhanh làm lành niêm mạc (bắp cải, đậu bắp, cải xanh…). Ngoài ra còn nhiều chất khác như protein, chất béo, vitamin để cân bằng dinh dưỡng.
- Người bệnh cần uống thuốc đúng giờ, tuân thủ đúng theo hướng dẫn.
- Người chăm sóc cần theo dõi dịch nôn, ống thông tiêu hoá, phân để biết được tình trạng kịp thời báo cho bác sĩ.
>>>Xem thêm
Làm sao để phòng xuất huyết dạ dày
Các biện pháp để phòng ngừa xuất huyết dạ dày như sau:
Chế độ ăn uống
Đối với các bệnh lý về tiêu hoá nhất là xuất huyết dạ dày thì chế độ ăn uống vô cùng quan trọng. Hãy cố gắng duy trì cho mình chế độ ăn khoa học khoa học, thực phẩm sạch nhằm đảm bảo cho sức khoẻ và ngăn ngừa xuất huyết:
- Ăn đủ bữa, đúng giờ. Không nên để tình trạng đói kéo dài.
- Ăn chín, uống sôi, không nên ăn gỏi hoặc đồ sống.
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no trong một bữa.
- Hạn chế tối đa việc uống rượu bia, các chất kích thích, đồ uống có ga.
- Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cách chế biến chiên, xào.
- Hạn chế đồ ăn cay nóng.
- Uống đủ nước, nhưng tránh uống quá nhiều trước và sau bữa ăn.
- Nên ăn nhạt thay vì ăn mặn.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Tây y
Nhóm thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau làm tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày, yếu tố thuận lợi có thể dẫn tới xuất huyết. Bởi vậy khi sử dụng các nhóm thuốc này bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không tự ý mua thuốc. Chỉ uống thuốc khi có kê đơn của bác sĩ.
- Không uống thuốc khi đói hoặc trước khi đi ngủ.
- Không dùng các loại nước khác nhau để uống thuốc tránh tương tác. Chỉ nên dùng với nước trắng.
- Nếu sau uống thuốc có các dấu hiệu bất thường thì cần báo với bác sĩ.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cơ thể không chỉ là xuất huyết dạ dày. Một thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp bạn có thể trạng tốt, phòng ngừa bệnh. Cụ thể là:
- Bỏ hút thuốc, không nên thức quá khuya.
- Nghỉ ngơi đúng giờ, đảm bảo ngày ngủ đủ 7-8 tiếng.
- Mỗi ngày nên dành ít nhất 30 phút để tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ.
- Giải toả căng thẳng, stress bằng những biện pháp thư giãn, tĩnh tâm.
- Với người thừa cân, béo phì cần thực hiện chế độ giảm cân khoa học, an toàn, tránh ảnh hưởng đến dạ dày.
- Định kì 6 tháng/ lần đối với người bình thường hoặc 3 tháng/ lần với người có bệnh lý nền nên đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát để kịp thời phát hiện sớm các bệnh lý trong đó có bệnh lý dạ dày để tránh các biến chứng nguy hiểm
Không nên chủ quan với bất kì dấu hiệu bất thường nào của cơ thể. Bởi đây có thể là những cảnh báo về sự bất thường sức khoẻ mà bạn cần biết. Xuất huyết nói chung là một bệnh lý nguy hiểm và xuất huyết dạ dày cũng như vậy. Hy vọng những kiến thức trên đã giúp bạn phần nào hiểu thêm về bệnh này cũng như các kỹ năng sơ cứu tại nhà nhằm đảm bảo giảm tỷ lệ chuyển nặng của người bệnh.