Ung thư là một trong những bệnh lý ngày càng trở nên phổ biến mà có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Ngày nay ung thư càng trở nên đa dạng ở rất nhiều hệ cơ quan trong cơ thể con người. Quá trình điều trị ung thư là một hành trình vô cùng dài và gian nan bởi những hệ quả về vật chất, thể chất và tinh thần của bệnh nhân. Do đó mà quá trình vật lý trị liệu cho bệnh nhân ung thư vô cùng cần thiết để giúp người bệnh suy nghĩ tích cực về tình trạng sức khỏe, thoải mái tinh thần và sống hoà nhập với xã hội.
Nội dung bài viết
Các vấn đề của ung thư mà vật lý trị liệu có thể giải quyết
Chúng ta đều biết ung thư là một bệnh nan y mà hiện nay nền y học hiện đại chưa tìm ra được cách giải quyết triệt để. Các phương pháp điều trị hiện nay đều có tác dụng hỗ trợ là chính thay nhằm giúp cho bệnh nhân cải thiện được các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Vật lý trị liệu cũng là một phương pháp như vậy, nó giải quyết các vấn đề:
- Vấn đề về thể chất: ung thư và điều trị ung thư có thể gây ra nhiều các triệu chứng khác nhau. Việc giải quyết những vấn đề này cần có thời gian và sự hợp tác của bệnh nhân khi phục hồi chức năng, cụ thể như đau, sưng nề, người yếu mất lực, người mệt mỏi, hạn chế hoạt động và sự linh hoạt, sức chịu đựng kém, da bị biến đổi do xạ trị, phù hạch bạch huyết, đi lại khó khăn dễ ngã, các bệnh lý về thần kinh làm tê bì, ngứa chân tay, rối loạn tình dục, ăn ngủ kém.
- Vấn đề chuyển động: vấn đề này có ảnh hưởng đến sự di chuyển xung quanh của bệnh nhân. Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân khi gặp khó khăn trong các vấn đề như: Đứng dậy từ nền nhà, từ ghế; đi lại hoặc leo cầu thang; các vấn đề sinh hoạt như tắm rửa, mặc quần áo…
- Các vấn đề về nhận thức: những vấn đề này có ảnh hưởng đến tâm thần của một người, phục hồi chức năng có thể giải quyết như: Khó khăn khi thực hiện phối hợp nhiều nhiệm vụ; rối loạn tâm thần hoặc suy nghĩ không được rõ ràng; bộ nhớ gặp rắc rối, không được linh hoạt.
Thời điểm nào nên tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân ung thư là tốt nhất?
Trong quá trình điều trị ung thư bằng xạ trị, các phần mô bị tổn thương và dễ dẫn tới viêm hình thành nên các mô sẹo làm mất đi sự linh động và đàn hồi của da. Nhất là các vùng da có sự hoạt động thường ngày của cơ.
- Ở vùng đầu và cổ có thể gây khó khăn cho các cử động của cổ, mặt và hàm.
- Ở hốc miệng tình trạng xơ hóa sẽ gây trở ngại khi há miệng, ăn và nói.
- Ở phần dưới và chân gặp khó khăn trong việc hoạt động như đi lại, chạy nhảy…
Tuy nhiên để khắc phục những vấn đề trên thì việc vật lý trị liệu cho bệnh nhân ung thư ở thời điểm nào là tốt nhất giúp hạn chế tối đa những bất lợi về hoạt động cho bệnh nhân. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu vật lý trị liệu thường là ở giai đoạn đầu của xạ trị. Thời điểm này nếu được vật lý trị liệu thì sự xơ hóa mô sẹo sẽ ít xảy ra hơn vì quá trình viêm cục bộ được làm giảm do vật lý trị liệu.
Người thực hiện vật lý trị liệu cho bệnh nhân nên tìm hiểu và lựa chọn những biện pháp điều trị sao cho phù hợp với tình trạng của bệnh nhân để có thể mang lại kết quả cao nhất.
>>>Xem thêm
Một số bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân ung thư
Bài tập cho bệnh nhân xạ trị vùng đầu cổ
Kỹ thuật thở: đờm được sản sinh ra từ phổi của con người sau khi xạ trị vùng đỉnh phổi. Sau khi xạ trị, hệ thống bù trừ tự nhiên sinh ra đờm sẽ hoạt động chậm lại và đờm sẽ bị tích tụ dần, khi hoạt động lâu dài có thể làm giảm lượng không khí xâm nhập vào phổi. Vật lý trị liệu giúp cho bệnh nhân đảo ngược những thay đổi này bao gồm các bài tập thở rất hiệu quả.
Tư thế: giúp bệnh nhân nhận thức được tư thế của họ khi ngồi hoặc đứng thẳng, cố gắng không chùng vai và lưng trên. Khi nào ngồi có thể đặt cánh tay lên đầu gối.
Tập thể dục và tập vai: trong khi xạ trị, cố gắng đi dạo thường xuyên vừa giúp duy trì mức độ hoạt động thể dục vừa để bệnh nhân cảm thấy thời gian xạ trị được nhanh chóng. Nếu người bệnh thấy mệt mỏi cố gắng thực hiện ít và thường xuyên hơn là nhiều lần một lần.
Quay đầu: bài tập quay đầu giúp phần cơ vùng cổ vai được thư giãn, chống đau mỏi vùng cổ vai gáy. Bệnh nhân ngồi thẳng rồi quay đầu sang bên phải trái sao cho thấy căng cơ, tập lặp lại nhiều lần để đạt hiệu quả.
Nghiêng đầu: nghiêng sang trái sao cho cơ căng ra rồi trở lại tư thế ban đầu và tiếp tục nghiêng sang phải. Lặp lại động tác này 10 lần, chú ý giữ cho phần cằm hướng về trước và phần vai không được chuyển động.
Một số động tác khác như:
- Nhún vai và cuộn: Đứng thẳng, nâng hai vai lên rồi hạ xuống, thực hiện động tác xoay tròn lên xuống khớp vai.
- Nâng cao cánh tay: Đứng thẳng. hai tay song song với thân. Từ từ đưa tay lên ra phía trước, lên ngang tầm mắt rồi dựng thẳng đứng so với mặt đất. Hạ tay xuống từ từ. Tiếp tục đưa tay dang ngang, đến ngang tầm vai rồi đưa thẳng lên vuông góc với mặt đât. Hạ tay xuống. Tiếp tục đưa tay về phía sau hết mức rồi cho tay về vị trí ban đầu.
- Tập mở hàm: Sau xạ trị nhiều người gặp khó khăn trong việc mở hàm , khó khăn trong việc ăn, nói…Tập luyện bằng cách mở hàm thường xuyên. Đo khả năng phục hồi bằng cách xem bệnh nhân mở hàm để vừa bao nhiêu ngón tay. Ngậm trái chanh và di chuyển nó trong khoang miệng sang các bên để cơ hàm giãn ra.
Bài tập cho người bị ung thư vú
Bài tập Vật lý trị liệu cho bệnh nhân ung thư dưới đây áp dụng cho bệnh nhân từ 3 đến 7 ngày đầu sau phẫu thuật. Thường thì sau cắt bỏ vú có ảnh hưởng tới hệ gân, cơ ở vùng vai, cánh tay cùng bên. Có sự co kéo nên dẫn đến hạn chế vận động khớp vai, vận động gây đau. Chúng ta cần sử dụng cánh tay bị đau như thường khi bạn làm các động tác sinh hoạt như chải đầu, thay quần áo, tắm giặt và ăn uống.
Tập vận động tay và vai bằng cách:
- Nằm xuống giường cứng hoặc sàn nhà giơ cao cánh tay bên phẫu thuật ở trên mức tim trong thời gian khoảng 40 phút làm khoảng 2 lần mỗi ngày. Để giảm bớt sưng nề sau phẫu thuật, có thể đặt cánh tay cao hơn so với cổ tay và phần khuỷu tay cao hơn phần vai của bệnh nhân.
- Tập lại các động tác trên rồi tập kèm thêm động tác nắm tay rồi mở bàn tay của bạn khoảng 20 lần rồi uốn cong và thẳng khuỷu tay của bạn.
- Tập thở sâu (sử dụng cơ hoành) ít nhất 6 lần/ ngày. Người bệnh ngồi, hít một hơi thật sâu và căng lồng ngực, cố gắng hít càng nhiều càng tốt. Sau đó thở ra một cách từ từ. Lặp lại động tác. Bài tập giúp các cơ vùng ngực phối hợp nhịp nhàng với nhau, giãn cơ, giảm sự co kéo. Tập thở thường xuyên trong ngày.
Bài tập vẩy tay dịch cân kinh
Dịch cân kinh là một bài tập có từ lâu đời. Bài tập có tác dụng lưu thông khí huyết, tăng cường trao đổi các chất trong cơ thể đồng thời đẩy ra những chất được coi là uế phẩm. Rất nhiều bệnh nhân ung thư sau khi tập Dịch cân kinh đã có những phản hồi tích cực về sự cải thiện chất lượng cuộc sống. Bài tập này thích hợp đối hầu hết các bệnh nhân bị ung thư.
Chuẩn bị tư thế: Người tập đứng thẳng trên tấm thảm, hai chân rộng bằng vai, hai bàn chân song song hướng ra phía trước. Các đầu ngón chân mín chặt xuống nền. Dùng cơ thít lại vùng hậu môn và giữ trong suốt quá trình vẩy.
Thực hiện động tác:
- Thả lỏng cơ thể, thư giãn đầu óc, đầu ngẩng lên không cúi, mắt hướng tầm nhìn ra xa phía trước. Bàn tay khép hờ, mu bàn tay hướng về phía trước, để cong tự nhiên.
- Đưa hai tay lên trước khoảng 30 độ sau đó đánh hai tay dứt khoát và đồng thời về phía sau khoảng 60 độ so với thân người. Khi đưa hai tay trở về phía trước thì thả lỏng theo quán tính, không cần dùng lực. Được 1 nhịp. Thời gian cho 1 nhịp khoảng 1 giây.
- Nhịp thở theo nhịp đánh tay.
- Vẩy theo sức của cơ thể, không tập luyện quá sức.
Vật lý trị liệu cho bệnh nhân ung thư đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện tình hình sức khỏe, nâng cao tinh thần và chức năng sống cho bệnh nhân sau khi kết thúc những đợt xạ trị..Tuy vậy cần phải có sự phụ thuộc vào hợp tác rất nhiều từ phía bệnh nhân và gia đình người bệnh lẫn đội ngũ nhân viên y tế có kinh nghiệm lâu năm và nhiệt tình với người bệnh.