Các bệnh lý trong cơ thể sẽ được biểu hiện ra ngoài thông qua nhiều dấu hiệu khác nhau. Trong bài viết này chúng ta sẽ xét đến tính chất của nước tiểu trong đó có hiện tượng nước tiểu nổi bọt. Theo các bác sĩ thì nguyên nhân gây ra tình trạng này có rất nhiều. Đó có thể là do bệnh lý tại thận, nhiễm trùng tiết niệu, bệnh đái tháo đường hay tăng huyết áp… Nhưng có nhiều trường hợp nó lại chỉ do tác động từ bên ngoài. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây:
Nội dung bài viết
Nhận biết nước tiểu sinh lý bình thường
Nước tiểu vốn là một sản phẩm bài tiết của thận. Lượng máu trong cơ thể được đưa về thận để lọc lấy lại các chất cần thiết và loại bỏ các chất căn bã. Sau đó nước tiểu sẽ theo đường niệu quản đưa xuống bàng quang tích luỹ và sau đó theo đường niệu đạo đi ra ngoài. Thành phần sinh lý của nước tiểu ở người khoẻ mạnh sẽ gồm có các phân tử protein, hormon và các hợp chất muối vô cơ. Nước tiểu bình thường sẽ có màu từ trong suốt cho đến màu hổ phách. Đa phần chúng ta đều thấy là màu vàng nhạt. Nó sẽ không có cặn bẩn hay bọt khí. Nhưng tuỳ vào chất lượng chuyển hoá trong cơ thể sẽ khiến cho các chất cùng thành phần trong nước tiểu bị thay đổi.
Nhưng có một số hiện tượng đặc biệt của nước tiểu ví dụ như có bọt khí, vẩn đục thì chúng ta cần phải lưu tâm. Nhiều người cho rằng đây là hiện tượng sinh lý mà có thái độ chủ quan, cho qua dẫn đến bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo về sự bất thường trong sức khoẻ của bản thân. Bởi vậy mà chúng ta không nên bỏ qua bất cứ điều bất thường nào của cơ thể.
Hiện tượng nước tiểu có bọt
Nước tiểu nổi bọt khí là hiện tượng sau khi nước tiểu ra ngoài thì có sự xuất hiện của nhiều bọt khí. Vấn đề sinh lý hay bất thường này sẽ được chúng ta đánh giá thông qua các yếu tố có liên quan khác như bọt khí này tồn tại trong bao lâu, màu sắc nước tiểu ra sao, tính chất của nước tiểu như thế nào. Cùng với đó là xem xét các biểu hiện bất thường khác của cơ thể.
Các trường hợp có bọt khí do yếu tố khách quan bên ngoài thì bọt khí này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, nước tiểu lỏng, trong, có màu sắc sinh lý bình thường. Ta sẽ thấy hiện tượng này trong một số trường hợp sau:
- Nước tiểu có phản ứng với chất tẩy rửa trong bồn cầu: Một số chất tẩy rửa bồn cầu có chứa chất xà phòng. Khi bạn đi tiểu sẽ tác động một lực nhất định vào nước bên dưới bồn cầu làm cho chất xà phòng này bị đánh thành bọt. Bọt này không hề có liên quan đến nước tiểu của bạn bất thường. Để kiểm chứng rõ hơn thì chúng ta nên dội sạch bồn cầu, không dùng chất tẩy rửa đó nữa xem có bọt không.
- Do tiểu với lực mạnh: Bàng quang chứa quá nhiều nước tiểu nhưng bạn lại không đi tiểu ngay lập tức thì nước tiểu sẽ tạo thành một áp lực âm lên thành bàng quang. Đến khi bạn đi tiểu thì áp lực âm này sẽ đẩy nước tiểu ra ngoài với một lực cực mạnh mà tạo thành bọt. Tuy vậy bọt khí này cũng chỉ xuất hiện trong vài giây rồi vỡ mất mà không để lại dấu vết bất thường.
Với bọt khí xuất hiện khi đi tiểu mà không nằm trong các trường hợp trên, cộng thêm là bọt khí này lại còn tồn tại một thời gian dài đến cả vài phút thì hoàn toàn không phải là điều bình thường. Nếu có thêm các dấu hiệu bất thường dưới đây thì bạn cần phải lưu ý nhiều hơn:
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, bị mất ngủ thường xuyên
- Ăn không ngon miệng
- Chân tay bủn rủn, phù nề xuất hiện ở mặt hoặc ở các chi
- Nước tiểu có mùi khai nồng khó chịu kèm theo các màu sắc bất thường như màu cam, màu hổ phách, màu sậm, hay có kèm cả máu
- Bị đi tiểu nhiều lần trong ngày dù là không uống nhiều nước
- Tình trạng này xuất hiện nhiều lần
Những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước tiểu nổi bọt bệnh lý
Loại trừ các yếu tố khách quan từ bên ngoài thì chúng ta càng nên phải cẩn trọng nguyên nhân gây ra hiện tượng nước tiểu nổi bọt đến từ các bệnh lý khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân mà bạn có thể đối diện phải khi ở trong trường hợp này:
Cơ thể mất nước, thiếu nước
Nếu bạn để ý thì sau một quá trình vận động tập luyện hay lao động mệt nhọc khiến cơ thể mất đi nhiều nước thì khi đi tiểu chúng ta sẽ thấy nước tiểu có bọt. Ngoài ra mất nước do sốt cao, tiêu chảy, uống ít nước mỗi ngày… đều có thể dẫn đến tình trạng trên. Điều này được giải thích là do cơ thể mất nước, thiếu nước khiến cho nước tiểu bị cô đặc lại và đi tiểu sẽ thấy hiện tượng bọt nổi. Nếu là nguyên nhân này thì cách giải quyết sẽ tuỳ vào lượng nước mất là bao nhiêu.
- Mất nước mức độ nhẹ: Chúng ta chỉ cần bổ sung bằng cách uống nhiều nước. Mỗi ngày không nên uống ít hơn 1,5 lít nước. Nếu có các hoạt động ra mồ hôi nhiều thì cần bổ sung nhiều hơn.
- Mất nước mức độ trung bình: Ở mức độ này chúng ta cần bổ sung bằng cách uống oserol. Nó không chỉ có nước mà còn có các chất điện giải cần thiết nữa.
- Mất nước mức độ nặng: Trường hợp này cần được xử trí tại bệnh viện. Các bác sĩ sẽ truyền nước và bổ sung các chất điện giải cần thiết.
Nước tiểu có bọt do protein niệu cao
Một nguyên nhân khiến cho nước tiểu nổi bong bóng được biết đến trong nhiều trường hợp đó là do protein niệu cao. Ở người bình thường thì chỉ số protein niệu rất thấp. Nhưng khi nó vượt quá ngưỡng so với bình thường do một yếu tố tác động nào đó thì nước tiểu sẽ có bọt. Mà protein trong nước tiểu cao thì có các lý do là:
- Bổ sung protein quá nhiều sau khi tập luyện với cường độ cao.
- Bệnh lý tại thận (hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp…)
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Rối loạn chuyển hoá
Nhiễm trùng nước tiểu cũng làm nước tiểu có bọt
Bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu khiến cho bạn đi tiểu ra bọt bong bóng là do vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang. Ngoài triệu chứng trên thì có thể kèm thêm các triệu chứng khác như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục, tiểu máu… Để chẩn đoán được tình trạng bệnh thì chúng ta cần phải đến gặp các bác sĩ có chuyên môn. Thông qua thăm khám, hỏi bênh, xét nghiệm nước tiểu… mới có thể đưa ra một kết luận chính xác được. Ngoài ra sự xuất hiện của các tế bào bạch cầu trong nước tiểu cũng là một bằng chứng của hiện tượng nhiễm khuẩn. Bác sĩ sẽ tuỳ theo loại vi khuẩn mà chỉ định kháng sinh điều trị cho phù hợp.
Nguyên nhân các bệnh lý ở thận
Các bệnh về thận cũng làm cho nước tiểu có bọt khí. Thận là cơ quan quan trọng có vai trò lọc máu, bài tiết nước tiểu để đưa các chất căn bã có hại ra ngoài cơ thể. Bất kỳ bệnh lý nào tại thận như nhiễm trùng thận, suy thận, cao huyết áp, sỏi thận cũng có thể khiến cho nước tiểu của bạn xuất hiện bọt.
Người bị bệnh tiểu đường nước tiểu sẽ có bọt
Bệnh tiểu đường thực chất là lượng đường trong máu không được chuyển hoá khiến cho chỉ số đường huyết tăng cao hơn mức bình thường. Khi máu này đi qua thận cũng không lọc được hết khiến cho nước tiểu cũng có chứa các phân tử đường. Mà glucose cũng giống như protein là một phân tử lớn, bình thường sẽ không qua được màng lọc của thận. Nhưng do lượng trong máu quá lớn bắt buộc phải thải bớt thông qua nước tiểu. Bởi vậy khi đi tiểu mới có bọt. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác kèm theo như:
- Người mệt mỏi
- Gầy sút cân không rõ nguyên nhân
- Mắt mờ
- Các vết thương lâu lành
- Thường xuyên thấy đói
- Khát nước nhiều
- Mắc tiểu thường xuyên,…
Nước tiểu nổi bọt do tăng huyết áp
Các bệnh lý về tim nói chung hay tăng huyết áp nói riêng diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng tới chức năng của thận. Khi thận bị tổn thương thì khả năng lọc của nó cũng không còn được như trước. Các microalbumin sẽ thừa đó mà đi qua màng lọc. Vậy nên sẽ xuất hiện hiện tượng protein niệu. Như đã giải thích ở trên thì khi có protein niệu vượt quá chỉ số cho phép thì nước tiểu sẽ có bọt. Bởi vậy mà chúng ta cần định kì đi kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, nhất là các chỉ số của cơ thể. Trong đó có chỉ số huyết áp là vô cùng quan trọng.
Hiện tượng xuất tinh ngược
Đối với nam giới còn có một trường hợp nữa khiến cho sau khi đi tiểu bạn sẽ thấy các bọt bong bóng đó là do trong nước tiểu có lẫn tinh dịch. Trường hợp này bắt nguồn từ bệnh lý xuất tinh ngược dòng. Thay vì khi xuất tinh, tinh dịch sẽ theo đường đi bên trong dương vật dẫn ra ngoài thì ở người bị bệnh sẽ xuất ngược đi vào trong bàng quang và hoà lẫn với nước tiểu. Tinh dịch có tính chất đặc, quánh, sền sệt. Khi đi tiểu cùng với áp lực đẩy trong bàng quang sẽ dẫn đến hiện tượng ra bọt bong bóng.
Cảnh báo tiền sản giật
Một bệnh lý nguy hiểm ở phụ nữ mang thai mà tiểu ra bọt là một dấu hiệu nổi bật đó là tiền sản giật. Với tiền sản giật thì trong nước tiểu cũng có chứa hàm lượng protein cao bởi bệnh lý này đặc trưng là tình trạng tăng huyết áp cùng với phù. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi trong quá trình sinh đẻ.
Chẩn đoán nước tiểu có bọt như thế nào
Khi phát hiện hiện tượng nước tiểu nổi bọt không liên quan gì đến các yếu tố khách quan bên ngoài thì việc cần làm đó là bạn nên đến gặp bác sĩ. Trước tiên bạn sẽ được khai thác về các dấu hiệu, triệu chứng bệnh có kèm theo. Bạn cần kể một cách rõ ràng cho bác sĩ về việc có hay không các dấu hiệu dưới đây:
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Khó ngủ
- Nôn, buồn nôn
- Nước tiểu có màu đục hay sẫm màu
- Lượng nước tiểu nhiều hay ít
- Có hiện tượng phù tay, chân, mặt, bụng hay không
- Nam giới thì khai thác thêm hiện tương “cực khoái khô” tức là lên đỉnh nhưng không xuất tinh ra ngoài.
Theo đó bác sĩ sẽ định hướng người bệnh thực hiện thêm một số các xét nghiệm cần thiết khác để xác định nguyên nhân gây bệnh, tình trạng và mức độ của bệnh. Cụ thể là:
- Nồng độ protein trong nước tiểu. Nếu cao thì cần theo dõi định lượng protein niệu trong vòng 24 giờ. Người bệnh cần thu thập tất cả nước tiểu của mình trong vòng 24 giờ.
- Ngoài ra còn có định lượng chỉ số đường huyết.
- Đánh giá chức năng thận thông qua các chỉ số ure, creatinine
- Kiểm tra sự hiện diện của tinh trùng trong nước tiểu người bệnh đối với nghi ngờ hiện tượng xuất tinh ngược
- Kiểm tra về bạch cầu niệu trong bệnh lý nhiễm trùng
- Có thể thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI thận để đánh giá cấu trúc của thận xem có tổn thương hay bất thường khác không.
Điều trị nước tiểu có hiện tượng bọt khí
Nói chính xác thì hướng điều trị khi gặp hiện tượng bọt khí sau đi tiểu sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc xác định nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:
- Do mất nước: Bổ sung lượng nước thiếu theo hướng dẫn ở trên.
- Điều trị các bệnh lý tại thận
- Sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu điều trị nhiễm trùng tiết niệu
- Kiểm soát tốt huyết áp người bệnh
- Ổn định đường huyết
- Theo dõi kĩ quá trình mang thai của thai phụ bị tiền sản giật
- Điều trị ổn định cho nam giới bị xuất tinh ngược dòng
>>>Xem thêm
Một số giải pháp khắc phục nước tiểu có bọt
Ngoài điều trị thì người bệnh cũng cần phải tự ý thức được việc kết hợp với thay đổi lối sống, thói quen ăn uống và tập luyện sao cho khoa học. Cụ thể là:
- Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khoẻ tổng thể
- Bổ sung mỗi ngày từ 1,5-2 lít nước. Nhất là các loại nước ép rau củ, hoa quả nhằm tăng cường bổ sung thêm các loại vitamin.
- Không sử dụng các đồ uống có cồn, có chất kích thích, không hút thuốc lá
- Thực hiện chế độ ăn nhiều rau củ, hoa quả tươi. Sử dụng ít đường, ít mỡ, ít muối.
- Tái khám định kỳ đối với người có tiền sử bệnh mạn tính.
- Kiểm soát đường huyết thông qua chế độ ăn hàng ngày. Theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên.
- Sử dụng thuốc huyết áp hàng ngày. Theo dõi chỉ số huyết áp để phòng các biến chứng nghiêm trọng trên mắt, tim, thận, …
- Tuân thủ liệu trình điều trị bệnh của bác sĩ nhằm ổn định tình trạng bệnh lý
Nói nước tiểu nổi bọt bình thường hay bất thường thì không thể khẳng định được. Mà cái chúng ta cần tìm đó là nguyên nhân gây ra hiện tượng này để từ đó đánh giá một cách chính xác nhất. Hy vọng bài viết đã cập nhật cho quý bạn đọc những kiến thức y học bổ ích.