Chúng ta có thể bắt gặp viêm dạ dày ở rất nhiều lứa tuổi khác nhau, từ trẻ em cho đến thanh niên, người già. Bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng ở người trẻ tuổi gây ra những ảnh hưởng lớn cho đời sống xã hội. Có một thực trạng là hầu hết mọi người đều khá chủ quan khi mắc bệnh. Vậy nên những biến chứng nguy hiểm của viêm dạ dày ngày càng gặp nhiều hơn gây ra nguy hiểm đến tính mạng con người. Vậy bạn biết gì về nó? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Nội dung bài viết
Tổng quan về bệnh viêm dạ dày
Dạ dày là cơ quan tiến hành tiếp nhận và xử trí thức ăn bằng phương pháp cơ học. Bề mặt niêm mạc dạ dày được bao phủ bởi một lớp dịch nhày nhằm ngăn không cho acid tiếp xúc và phá huỷ niêm mạc. Nhưng do một nguyên nhân nào đó khiến lớp bảo vệ này mất đi, bề mặt niêm mạc lộ ra, acid tấn công, ăn mòn niêm mạc gây ra tình trạng viêm, xung huyết thậm chí là loét.
Viêm dạ dày là một bệnh lý khá phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay và càng có xu hướng trẻ hoá. Các triệu chứng của nó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi họ ăn quá no hoặc đói thì càng khó chịu hơn.
Người ta thường chia viêm dạ dày theo hai loại chính:
- Viêm dạ dày cấp: Các triệu chứng diễn ra một cách rầm rộ, là giai đoạn khởi phát của bệnh.Bệnh thường ít để lại di chứng. Dấu hiệu cũng khá mơ hồ.
- Viêm dạ dày mạn: Các triệu chứng diễn biến một cách âm thầm, tình trạng viêm kéo dài. Bệnh rất khó điều trị và thời gian điều trị cũng lâu.
Ngoài ra còn cách phân chia khác được các bác sĩ, chuyên gia áp dụng nhiều hơn đó là:
- Viêm dạ dày ruột cấp: Nguyên nhân là do vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương niêm mạc dạ dày, ruột dẫn đến các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy dài ngày. Không được điều trị kịp thời dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Vị trí tổn thương sẽ nằm tại niêm mạc dạ dày và tá tràng. Thường thì số ổ viêm tại dạ dày nhiều gấp 4 lần tá tràng. Giai đoạn đầu có các triệu chứng đặc trưng như đau rát thượng vị, buồn nôn, rối loạn tiêu hoá… Sau sẽ có những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày…
- Viêm xung huyết dạ dày: Là tình trạng niêm mạc hang bị viêm xung huyết, các mạch máu bị giãn nở tạo thành những nốt đỏ lấm tấm trên bề mặt niêm mạc dạ dày, có nguy cơ chảy máu bất cứ lúc nào. Người bệnh có biểu hiện ợ hơi, ợ chua, đau âm ỉ nhưng đôi lúc tiến triển thành dữ dội.
- Viêm dạ dày HP: Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm nặng tại dạ dày, các vi khuẩn này khi phát triển quá mức sẽ tiết ra chất gây phá huỷ lớp chất nhầy bảo vệ, tổn thương niêm mạc. Từ đó gây nên các vết viêm loét. Người bệnh sẽ thấy các cơn đau dữ dội, nóng rát vùng thượng vị kèm theo buồn nôn, khó tiêu. Vi khuẩn này có thể lây qua phương thức sử dụng chung dụng cụ ăn uống, tiếp xúc gần…
- Trào ngược dạ dày kèm viêm: Niêm mạc dạ dày đang tổn thương kết hợp với tình trạng dư thừa acid làm tăng nguy cơ gây trào ngược thực quản. Nếu không điều trị kịp thời rất dễ gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá trên, ảnh hưởng tới các cơ quan khác.
- Viêm đau dạ dày ở trẻ em: Ngày càng có nhiều trẻ em có các triệu chứng đau dạ dày kèm theo buồn nôn, nôn, chán ăn, đi ngoài ra máu… Nguyên nhân chưa được làm rõ nhưng phụ huynh cần phải chú ý nhiều hơn.
Tuỳ theo vị trí bị viêm mà còn có các tên gọi tương ứng khác nữa như viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét hang vị, viêm loét tâm vị, viêm loét thực quản, viêm loét bờ cong lớn, viêm loét bờ cong nhỏ, viêm loét tiền môn vị.
Triệu chứng của Viêm dạ dày
Vì là một bệnh lý khá phổ biến nên các triệu chứng của viêm dạ dày được rất nhiều người biết tới. Có nhiều trường hợp thì bệnh biểu hiện một cách rõ rệt, nhưng có một số người thì triệu chứng không đặc trưng mà chỉ là những cơn đau âm ỉ. Dưới đây là 5 triệu chứng thường gặp nhất:
Đau vùng thượng vị
Đây được coi là dấu hiệu đặc trưng của bệnh này. Người bệnh sẽ cảm thấy đau âm ỉ vùng thượng vị, có thể kèm theo triệu chứng tức và nóng rát rất khó chịu. Không thường thấy những cơn đau dữ dội ở vùng này. Vị trí đau thường thấy nhất là từ bụng lên ngực, có thể lan ra sau lưng. Nó xuất hiện liên tục trong khoảng 2 tuần đâu và có thể tái đi tái lại nhiều lần khi chuyển sang dạng mạn tính. Khi thay đổi thời tiết, lúc giao mùa thì cơn đau lại xuất hiện.
- Đau do loét tá tràng thường xuất hiện khi đói.
- Đau do loét dạ dày xuất hiện khi ăn, lúc đói thì không đau.
Ăn uống kém
Nguyên nhân của hiện tượng này là do thức ăn bị tiêu hoá chậm, dồn ứ tại dà dày trong một thời gian dẫn đến đầy bụng, chướng và cảm giác ấm ách nặng nề. Khi ăn sẽ thấy đau thượng vị lan lên xương ức và thấy buồn nôn. Bởi vậy lượng thức ăn nạp vào ít, không có cảm giác thèm ăn. Và đau cũng làm ảnh hưởng đến sự thưởng thức thức ăn. Vì vậy mới dẫn đến tình trạng ăn kém.
Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua
Đây là dấu hiệu đặc trưng cho bệnh tại dạ dày. Khi dạ dày bị rối loạn chức năng khiến cho sự tiêu hoá bị ảnh hưởng, thức ăn khó tiêu hoá, để một thời gian lâu sẽ bị lên men. Bởi vậy mà có hiện tượng ợ hơi. Acid trong dạ dày quá nhiều khi ợ nên sẽ có vị chua. Kèm theo đó là ợ nóng, cảm giác bỏng rát vùng thượng vị.
Buồn nôn, nôn
Khi bị viêm dạ dày cấp, viêm loét, xuất huyết hoặc ung thư dạ dày thì sẽ có triệu chứng buồn nôn, nôn. Nếu nôn nhiều mà không được điều trị kịp thời có nguy cơ làm rách niêm mạc thực quản ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Nôn nhiều cũng gây mất nước và điện giải. Nặng nữa là hạ huyết áp, truỵ tim mạch…
Xuất huyết tiêu hoá
Khi máu thoát ra khỏi lòng mạch đi vào đường tiêu hoá thì gọi là xuất huyết tiêu hoá. Dấu hiệu này sẽ gặp trong các trường hợp viêm loét nặng dẫn tới xuất huyết. Nếu không cầm máu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy ngay khi có những biểu hiện như nôn ra máu, đi ngoài phân đen, máu lẫn phân… phải đến các cơ sở y tế ngay.
Ngoài ra còn có một số dấu hiệu có giúp định hướng chẩn đoán viêm dạ dày khác như:
- Thường bị trào ngược thức ăn lên cổ, ăn không ngon.
- Khó chịu vùng thường vị.
- Bị nấc
- Rối loạn tiêu hoá: Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy…
- Một số cơn đau xuất hiện ban đêm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
- Có thể gặp khó khăn khi hô hấp do thức ăn tồn trong dạ dày bị lên men, sinh hơi làm tăng áp lực chèn ép lên khsi quản gây khó thở.
Nguyên nhân dẫn đến viêm dạ dày do đâu
Có khá nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh viêm dạ dày như:
- Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn gây viêm dạ dày được biết đến là Helicobacter pylori (HP). Vốn trong dạ dày đã có mặt của vi khuẩn này. Nhưng khi nó phát triển quá mức sẽ gây viêm cùng tình trạng rối loạn tiêu hoá. Bác sĩ cho rằng yếu tố thuận lợi để hình thành bệnh ở người nhiễm HP đó là lối sống thiếu khoa hoc và di truyền.
- Sử dụng các thuốc giảm đau thường xuyên: Các thuốc giảm đau khi vào dạ dày sẽ phá huỷ lớp màng bảo vệ, khiến cho acid gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì lớp niêm mạc dạ dày cũng sẽ thoái hoá, mỏng dần. Nguy cơ nhiễm HP ở người cao tuổi cũng cao hơn người trẻ.
- Uống rượu bia nhiều quá mức: Các tác nhân này gây kích ứng và làm mòn niêm mạc dạ dày khiến chúng càng dễ bị tổn thương bởi dịch acid. Những người thường xuyên uống rượu bia rất hay bị viêm dạ dày cấp.
- Chế độ ăn và sinh hoạt thất thường ảnh hưởng tới sự co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch vị khiến cho lớp bảo vệ niêm mạc bị tấn công và thương tổn.
- Căng thẳng, stress: Các yếu tố tâm lý này khiến cho dạ dày tăng tiết acid nhiều hơn so với bình thường, gây ra các cơn đau dạ dày cấp.
- Bệnh tự miễn: Cơ thể tự tạo ra kháng thể tấn công vào niêm mạc dạ dày của người bệnh, là do cơ chế của bệnh tự miễn. Nó khiến hàng rào bảo vệ bị suy yếu.
- Các nguyên nhân khác có liên quan đến các bệnh lý như HIV/ AIDS, bệnh Crohn, bệnh nhiễm ký sinh trùng, do hoá chất…
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao
Theo khảo sát cùng những nghiên cứu y học được thực hiện về các đối tượng có tỷ lệ mắc viêm dạ dày cao đó là:
- Tầng lớp trí thức: Nhóm người này thường xuyên phải lao động trí óc, dễ dẫn đến các căng thẳng, stress, chịu áp lực và thường xuyên bị mất ngủ. Đây chính các yếu tố thuận lợi cho bệnh tiến triển.
- Nhân viên văn phòng, kinh doanh: Đối tượng này thường phải đi tiếp khách, tham gia những cuộc nhậu và phải thức khuya. Hơn nữa họ cũng rất ít vận động. Điều này càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Nam giới ngoài 40 tuổi: Họ thường có những thói quen sinh hoạt xấu như hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích và lối sống thiếu khoa học… dễ gây ra rối loạn tiêu hoá và viêm dạ dày.
- Bệnh nhân xương khớp, bệnh tim: Họ có điểm chung là thường phải sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh. Các thuốc này đều có tác dụng phụ là gây đau dạ dày.
- Tầng lớp trẻ: Ngày càng có nhiều người trẻ bị bệnh về dạ dày.Đó là do lối sống thiếu khoa học, lười vận động, nghỉ ngơi không đúng giờ giấc, ăn đồ cay nóng…
Làm sao để chẩn đoán bệnh viêm dạ dày
Việc chẩn đoán viêm dạ dày cần được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn. Họ sẽ thăm khám, hỏi bệnh sử kết hợp với một số xét nghiệm đặc hiệu để xác định tình trạng, nguyên nhân gây bệnh. Các xét nghiệm đó là:
- Xét nghiệm HP: Vi khuẩn này có thể phát hiện thông qua xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm hơi thở nhằm xác định xem bạn có đang nhiễm HP.
- Nội soi dạ dày: Là xét nghiệm thường được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm dạ dày. Mục đích là đánh giá tình trạng viêm, vị trí. Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi co gắn một máy ghi hình nhỏ đi qua cổ họng, xuống thực quản rồi dạ dày. Máy ghi hình sẽ ghi lại rõ ràng các hình ảnh bên trong trên đường đi của nó. Có nộ soi thường và nội soi gây mê.
- Chụp X-quang đường tiêu hoá: Sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh các cơ quan trong hệ tiêu hoá bao gồm thực quản, dạ dày, ruột non. Để có hình ảnh rõ nét hơn thì người ta có thể sử dụng thuốc cản quang.
Các phương pháp điều trị viêm dạ dày
Trước tiên chúng ta phải biết được và tuân theo nguyên tắc điều trị chung dưới đây
Nguyên tắc điều trị
- Thiết lập sự cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố phá huỷ
- Tăng cường các thuốc có cơ chế bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Điều chỉnh lối sống (chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc) sao cho phù hợp.
- Kết hợp với việc sử dụng thuốc điều trị.
Phương pháp điều trị thuốc Tây y
Các nhóm thuốc dùng trong viêm dạ dày thường sử dụng là:
- Nhóm thuốc kháng acid: Có tác dụng trung hoà acid dư thừa trong dạ dày, giảm nhanh chóng các triệu chứng nhờ nâng pH dịch vị lên. Nhóm thuốc này có tác dụng nhanh nhưng chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Cách dùng là trước ăn 15 phút hoặc sau ăn 1h hay khi bị đau. Ngày uống 3 lần.
- Nhóm thuốc ức chế bơm Proton (PPIs): Tác dụng là ngăn tình trạng tăng tiết acid dạ dày, tránh làm nặng thêm tình bệnh tình. Cách sử dụng: Uống trước ăn sáng 30-60 phút, ngày uống 1 lần. Các biệt dược thường thấy là Prilosec, Prilosec OTC, Zegerid, Prevacid, Protonix, Aciphex, nexium, Dexilant…
- Nhóm thuốc ức chế thụ thể H2: Có tác dụng tương tự nhóm kháng acid nhưng tác dụng chậm hơn, bù lại hiệu quả kéo dài. Nhóm này thường dùng phối hợp với các nhóm thuốc khác để đem lại hiệu quả tốt hơn. Cách dùng: Uống trước ăn sáng 30 – 90 phút. Biệt dược: Axid, Tagamet, Tagamet HB, Pepcid, Pepcid AC, Zantac…
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Tác dụng giống như tên gọi. Cách sử dụng: Theo hướng dẫn. Biệt dược: Kaolin, smecta, Gastropulgite, subcitrate bismuth, sucralfate gel, ulcer, kael, Enprostol và Misoprostol…
- Nhóm tiêu diệt vi khuẩn HP: Là nhóm thuốc đặc hiệu sử dụng để diệt khẩn. Thường có sự phối hợp của các nhóm thuốc kháng sinh sau clarithromycin và Amoxicilin hoặc metronidazole.
Điều trị bằng Đông y, mẹo dân gian
Đông y là nền y học cổ truyền, chứa đựng những tinh hoa y học đúc kết từ ngàn đời nay. Bệnh lý viêm dạ dày trong Đông y có tên gọi là Vị quản thống. Tuỳ theo các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh mà nó được sắp xếp vào các thể bệnh khác nhau. Ngoài các bài thuốc điều trị thì có một số mẹo chữa đau dạ dày dân gian rất hiệu quả mà bạn có thể áp dụng như sau:
- Bài thuốc nghệ vàng và mật ong: Sử dụng nghệ vàng tươi, cạo hết đi lớp vỏ và rửa sạch. Sau đó thái nghệ thành các lát mỏng đem phơi cho khô. Khi nghệ đã khô thì ta đem xay thành bột nhuyễn mịn. Sau đó trộn mật ong một lượng vừa đủ vo thành các viên nhỏ như viên bi. Uống đều đặn mỗi sáng hoặc khi bị đau.
- Điều trị bằng lá mơ lông: Lấy một nắm lá mơ lông đem rửa sạch, xay nhuyễn và vắt lấy nước cốt. Uống ngày 2 lần cho đến khi thấy được tác dụng.
Thay đổi lối sống
Người bị viêm dạ dày khi điều trị bằng thuốc đồng thời phải kết hợp với việc thay đổi lối sống để đạt hiệu quả điều trị nhanh và tốt hơn:
- Chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày để giảm sự khó chịu do quá trình tiêu hoá chậm thức ăn và cũng giảm bớt tác động của acid dạ dày.
- Tránh các thực phẩm gây tác hại xấu cho dạ dày trong thời kì này như đồ cay nóng, đồ chiên nhiều dầu mỡ, đồ ăn khó tiêu hoá.
- Tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm hữu ích như chuối (trung hoà acid), thực phẩm thô (có chất chống oxy hoá bảo vệ niêm mạc dạ dày), táo (chứa peptin, kích thích tiêu hoá tốt), sữa chua, đậu bắp…
- Ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Không bỏ bữa, không đi ngủ muộn.
Các biến chứng nguy hiểm của viêm dạ dày
Bệnh lý viêm dạ dày sở dĩ nhận được sự quan tâm của nhiều người đến vậy bởi vì nếu không điều trị dứt điểm kịp thời để nó tiến triển nặng sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh lúc nào không hay. Các biến chứng có thể kể đến là:
Hẹp môn vị
Trên ổ loét dạ dày tại nơi giao nhau giữa dạ dày, tá tràng tiến triển thành các ổ viêm xơ sẽ gây hẹp lòng môn vị. Từ đó khiến cho thức ăn khó mà qua xuống phần bên dưới được. Các dấu hiệu của hẹp môn vị đó là nôn, bụng óc ách, sút cân…
Viêm dạ dày xuất huyết
Như đã nói ở trên thì khi tình trạng viêm xung huyết nặng sẽ khiến các mạch máu bị giãn nở. Khi giãn quá mức dễ gây vỡ thành mạch nên gây ra tình trạng xuất huyết. Trường hợp này thường gặp ở những người bị viêm mạn tính có kết hợp với các bệnh lý nền, nhất là người thường xuyên uống bia rượu. Xuất huyết dạ dày rất khó cầm, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ xuất hiện tình trạng mất máu cấp. Biểu hiện thường thấy là vã mồ hôi, da xanh, niêm mạc nhợt, chân tay lạnh, tụt huyết áp, mạch nhanh nhỏ khó bắt… Có thể kèm theo nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu tươi. Nếu xuất huyết lâu có thể thấy phân đen.
Thủng dạ dày
Thrng dạ dày cũng là một trong các biến chứng vô cùng nguy hiểm của viêm dạ dày. Ổ viêm, loét ngày càng ăn sâu đến một mức độ nào đó sẽ gây ra thủng dạ dày. Biểu hiện là đau thượng vị dữ dội, khó để làm giảm đau. Bụng gồng căng cứng, đến thở cũng gây đau, đau tại thượng vị sau đó lan ra khắp ổ bụng. Cơ thể mệt mỏi, chân tay lạnh toát, không còn sức, huyết áp tụt.
Ung thư dạ dày
Theo như nghiên cứu thì một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày là tiến triển từ viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP sẽ nhanh hơn so với các nguyên nhân gây viêm khác. Triệu chứng của giai đoạn ung thư sớm khá mờ nhạt nên khiến cho người bệnh chủ quan. Vì thế mà bạn nên thận trọng. Khi có các biểu hiện như người mệt mỏi nhiều, ăn không ngon, sụt cân nhiều không rõ nguyên do thì nên đi khám để kịp thời phát hiện, điều trị.
>>>Xem thêm
Các biện pháp phòng ngừa và cải thiện tình trạng bênh
Phòng bệnh luôn là điều được chú trọng hơn cả. Để phòng viêm dạ dày bạn cần lưu ý những điều sau:
- Thay đổi lối sống sao cho khoa học, lành mạnh: Nghỉ ngơi, ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kĩ. Không ăn quá no hoặc để quá đói. Hạn chế đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, không vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn.
- Bổ sung các vitamin cần thiết như vitamin A, D, K, B12, acid folic, Ca, Zn, Fe,… cùng các thực phẩm như trứng, sữa giúp trung hoà acid dạ dày tốt hơn.
- Kiêng các đồ uống kích thích như bia, rượu…
- Sử dụng đúng chỉ dẫn các thuốc giảm đau, chống viêm, kháng sinh theo kê đơn của bác sĩ. Không tự ý mua về dùng.
- Vận động thể dục thể thao để tăng cường, nâng cao sức khoẻ tổng quát.
- Luôn giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn, tránh bị stress, căng thẳng hay áp lực quá mức.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về bệnh viêm dạ dày cũng những phương pháp điều trị hiện nay. Ngay từ bây giờ mỗi người hãy tự ý thức được để thay đổi lối sống sinh hoạt sao cho giảm các nguy cơ gây bệnh. Sức khoẻ là vốn uý mà chúng ta cần phải giữ gìn.