Tiểu buốt là một dấu hiệu bất thường của cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đó là do nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Theo thống kê thì tỷ lệ phụ nữ bị tiểu buốt lớn hơn nhiều so với đàn ông. Bài viết sau sẽ làm rõ hơn về tất cả các nguyên nhân gây bệnh và các biện pháp phòng bệnh hữu ích, hãy đón đọc:
Nội dung bài viết
Tiểu buốt là bệnh gì
Tiểu buốt là một triệu chứng bệnh của hệ tiết niệu có thể gặp ở các lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ và người cao tuổi. Đặc điểm bệnh lý tiểu buốt được mô tả là cảm giác rát buốt, đau đớn, khó chịu và nóng rát mỗi khi đi tiểu. Đối với nam giới có cấu tạo đường niệu đạo dài, nằm bên trong dương vật nên khi bị tiểu buốt trong các trường hợp do sỏi thì đau buốt sẽ kéo dài dọc từ niệu đạo đến tận lỗ sáo. Nhiều khi đi tiểu không kịp, nước tiểu còn bị rớt ra quần. Điều đó vừa gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nguyên nhân có thể xuất phát từ đường tiết niệu dưới hoặc đường tiết niệu trên.
Các triệu chứng, dấu hiệu của tiểu buốt
Ngoài triệu chứng đặc trưng của bệnh đó là tiểu buốt làm cho người bệnh khó chịu khi đi vệ sinh thì có thể kèm theo các triệu chứng khác như:
- Cơn đau buốt kéo dài lên tới 24h sau đó.
- Triệu chứng toàn thân có thể có là sốt
- Vùng kín như âm đạo hay dương vật tiết dịch bất thường, có mùi khó chịu
- Nước tiểu đục, lẫn máu hoặc màu sắc bất thường
- Tiểu buốt kèm theo triệu chứng đau vùng bụng dưới
- Có thể cả đau khi giao hợp
- Mắc các bệnh lý về bàng quang hoặc sỏi thận
- Đau vùng thắt lưng hoặc vùng hông.
Ngoài ra còn có các triệu chứng đặc trưng cho từng bệnh lý khác nhau nữa. Có thể là:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu thấp: Buồn tiểu thường xuyên, có sự thôi thúc mãnh liệt khiến cho mất kiểm soát tại bàng quang, đau phía bụng dưới, nước tiểu mùi khai nồng. Có khi có cả máu lẫn.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu cao: Vị trí đau là lưng trên. Có kèm sốt, cảm giác ớn lạnh, buồn nôn, nôn, màu đục, tiểu nhiều lần.
- Viêm niệu đạo: Có dịch niệu đạo. Xuất hiện mẩn đỏ xung quanh khu vực niêm mạc. Đi tiểu thường xuyên. Phụ nữ thì tiết dịch âm đạo.
- Viêm âm đạo: Các triệu chứng thường gặp là đau, nhức, ngứa vùng âm đạo. Khó chịu với những bất thường, có dịch mùi hôi. Đau khi giao hợp.
Các nguyên nhân gây ra tiểu buổi
Vì những đặc trưng giải phẫu khác nhau của hệ tiết niệu giữa nam và nữ nên khi nói đến nguyên nhân gây bệnh tiểu buốt chúng ta cũng sẽ chia ra hai giới. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân gây tiểu buốt ở phụ nữ
Những nguyên nhân gây tiểu buốt điển hình thường gặp ở phụ nữ là:
- Viêm đường tiết niệu: Niệu đạo của phụ nữ chỉ ngắn bằng 1/3 so với nam giới. Nó lại nằm rất gần với hậu môn, đây là yếu tố thuận lợi khiến cho các loại vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm. Trong viêm đường tiết niệu thì triệu chứng đó là đau buốt khi đi tiểu, chảy dịch bất thường ở niệu đạo.
- Viêm âm đạo do nấm: Tiểu buốt có thể là một dấu hiệu cảnh báo của viêm âm đạo do bị nấm. Nếu là nguyên nhân này thì âm đạo sẽ rất ngứa cả ở bên trong lẫn bên ngoài, còn kèm theo ra khí hư giống như bã đậu. Có những tổn thương dạng viêm loét.
- Bệnh lậu: Một trong những bệnh truyền nhiễm gây ra do quan hệ tình dục không an toàn. Sau 3-5 ngày nhiễm lậu cầu thì cơ thể sẽ có biểu hiện là tiểu buốt, tiểu nhiều lần trong ngày, âm đạo chảy mủ và ra khí hư bất thường…
- Táo bón: Tưởng như không liên quan nhưng hiện tượng táo bón kéo dài sẽ tạo áp lực lên thành bàng quang khiến cho đi tiểu sẽ có cảm giác buốt.
- Tiền mãn kinh: Ở độ tuổi này cơ thể sẽ suy giảm nột tiết tố nữ estrogen là do giảm sản xuất. Nồng độ pH thay đổi làm cho xáo trộn sự cân bằng về hệ vì khuẩn và nấm men trong âm đạo. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, là một nguyên nhân thường thấy của tiểu buốt ở phụ nữ.
- Đái tháo đường: Đường trong cơ thể không được chuyển hóa gây ra tình trạng đường huyết cao. Theo đó khi máu xuống lọc ở thận, cơ thể sẽ thải trừ bớt đường thông qua nước tiểu. Trong nước tiểu có đường là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm.
- Nhịn tiểu: Theo nghiên cứu của các chuyên gia thận tiết niệu thì việc nhịn tiểu quá 6h trở nên cũng có thể gây tiểu buốt vì các vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bàng quang. Bởi vậy mà chúng ta không nên nhịn tiểu quá lâu.
- Sỏi thận: Các viên sỏi có bề mặt xù xì trong quá trình di chuyển tại niệu quả, niệu đạo hay trong thận, bàng quang dễ tạo thành các vết xước gây tổn thương niêm mạc. Vậy nên mới có triệu chứng tiểu buốt, có thể kèm máu.
- Mất nước: Khi mất nước, nước tiểu sẽ bị cô đặc lại, giảm khả năng đào thải vi khuẩn nên dễ gây ra tình trạng tiểu buốt. Bởi vậy mỗi ngày bạn nên bổ sung từ 1,5-2 lít nước đủ nhu cầu cho cơ thể hoạt động tốt.
- Dùng băng vệ sinh không phù hợp: Nó khiến cho vùng âm đạo của chúng ta dễ bị kích ứng mà gây ra viêm nhiễm làm cho khi đi tiểu có cảm giác buốt.
- Mặc quần lót quá chật: Môi trường bí, thiếu oxy khiến cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển một cách nhanh chóng gây ra tình trạng viêm nhiễm là điều dễ hiểu.
Nguyên nhân gây tiểu buốt ở nam
Nguyên nhân dẫn đến tiểu buốt ở nam giới cũng nhiều không kém so với nữ giới. Cụ thể là:
- Viêm niệu đạo: Đường niệu đạo của nam giới kéo dài từ bàng quang đến miệng sáo, vừa làm nhiệm vụ dẫn nước tiểu và cả dẫn tinh dịch. Khi tình trạng viêm xảy ra sẽ làm thu hẹp chu vi lòng ống khiến đi tiểu bị buốt, tiểu rắt
- Viêm bàng quang: Là một nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn phát triển trong bàng quang. Tỷ lệ mắc bệnh và tái phát cao. Bởi vậy cần được điều trị dứt điểm. Triệu chứng bệnh là tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục, có mùi hôi, có thể kèm tiểu máu. Cơ thể mệt mỏi, đau nhức nơi cơ quan sinh dục và đau hai bên thắt lưng…
- Viêm bể thận: Là bệnh thận bị nhiễm trùng (nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ nhiễm trùng đường tiết niệu). Viêm bể thận có thể gây tiểu buốt, đi tiểu gây đau, nóng rát, nước tiểu màu đục, mùi hôi, tiểu nhiều lần. Ăn uống kém, không ngon miệng, cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
- Viêm tiền liệt tuyến: Là do vi khuẩn gram âm có trong đường tiêu hoá hoặc tiết niệu xâm nhiễm làm viêm tiền liệt tuyến. Bởi vậy sẽ có triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt.
- U xơ tiền liệt tuyến: Tên gọi khác là phì đại tiền liệt tuyến. Bộ phận này phát triển to quá mức bình thường gây chèn ép vào bàng quang, ống niệu đạo làm rối loạn tiểu tiện. Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới tuổi trung niên.
- Sỏi tiết niệu: Giống như đã nói ở trên ở phần nguyên nhân gây tiểu buốt của phụ nữ thì sỏi cũng có thể dẫn đến tình trạng này ở nam giới. Ngoài triệu chứng tiểu buốt thì còn các biểu hiện khác là đau âm ỉ hoặc thành cơ ở thắt lưng, bí tiểu cấp, tiểu đục, tiểu ngắt quãng, ra máu…
- Ung thư tiền liệt tuyến: Các tế bào ác tính phát triển một cách không kiểm soát tạo thành khối u trong tiền liệt tuyến và cũng gây chèn ép vào các cơ quan, bộ phận trong hệ tiết niệu.
- Bệnh lâu: Quan hệ tình dục không an toàn cũng có thể gây bệnh lậu cho nam giới. Người bị bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, nóng rát dương vật, tiểu buốt, tiết dịch màu trắng vàng hay xanh lá cây, tinh hoàn thì sưng đau…
Một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến hiện tượng chúng ta đang nói ở trên như bệnh chlamydia, tác dụng phụ của một số thuốc (ví dụ thuốc điều trị ung thư, thuốc tránh thai, hay sử dụng dung dịch vệ sinh không phù hợp…)các bệnh về hepes sinh dục, hay do sinh hoạt tình dục quá độ gây tổn thương âm đạo, dương vật, dị ứng với các loại xà phòng hoặc sản phẩm chăm sóc cá nhân,…
Biến chứng có thể xảy ra của tiểu buốt
Nếu không điều trị dứt điểm và đúng phương pháp thì tình trạng tiểu buốt này sẽ tiến triển nặng hơn. Các biến chứng có thể gặp bao gồm:
- Viêm bàng quang: Tiểu buốt do vi khuẩn bắt nguồn từ vị trí khác như đường niệu đạo, âm đạo,… Sau một thời gian không điều trị thì nó sẽ tấn công vào bàng quang gây viêm nhiễm. Thường thì viêm bàng quang bắt nguồn từ nhiễm trùng tiết niệu thấp nhiều hơn so với nhiễm trùng tiết niệu cao.
- Viêm bể thận: Không chỉ tấn công bàng quang mà vi khuẩn còn có thể lội ngược dòng tấn công các đài bể thận. Nó khiến cho bể thận bị sưng tấy và nguy cơ suy chức năng khó phục hồi. Viêm bể thận có thể dễ dàng chuyển thành mạn tính làm đe doạ đến tính mạng người bệnh.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Vi khuẩn tấn công cũng sẽ không loại trừ việc gây bệnh cho đường tiết niệu. Nặng nề nhất khi nó làm tổn thương thận.
Tiểu buốt cần khám những gì
Với triệu chứng tiểu buốt gây ra những khó chịu cho cuộc sống của người bệnh và để không tiến triển nặng thì tốt nhất bạn nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám điều trị sớm. Theo đó khi đến viện bạn sẽ được chỉ định làm những việc sau:
Hỏi về bệnh sử
Đây là một bước rất quan trọng. Bác sĩ sẽ thông qua các câu hỏi để có thể nắm được hết tất cả các triệu chứng của bệnh. Với các bệnh về hệ tiết niệu như thế này cần khai thác các triệu chứng điển hình như sốt, đau lưng, có tiết dịch vùng kín không, nước tiểu có màu gì, tiểu nhiều lần hay ít… Ngoài ra cũng cần lưu ý đến các vấn đề nhạy cảm khác như quan hệ tình dục có an toàn không, đã từng sử dụng biện pháp can thiệp đường tiết niệu bao giờ chưa, hay tiền sử về các bệnh lý khác từng mắc phải. Từ đó bác sĩ có thể xác định được các yếu tố nguy cơ, phần nào có các chẩn đoán sơ.
Khám toàn thân
Đây là công việc không thể bỏ qua được khi khám bệnh. Bác sĩ sẽ thăm khám các đặc điểm có thể biểu hiện bệnh lý trên cơ thể như khám về da, niêm mạc, các khớp tay chân, khám khu vực khung chậu, khám phụ khoa… Đối với nam giới thì cần phải thăm khám thêm tiền liệt tuyến thông qua cách thăm trực tràng để xem có bị sưng, có độ đồng nhất với nhau, độ mềm ra sao.
Lúc nay bác sĩ đã phần nào có được chẩn đoán sợ bộ về bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Để củng cố thêm suy nghĩ của mình thì cần phải có các xét nghiệm chuyên sâu khác.
Xét nghiệm, thăm dò chức năng
Đối với triệu chứng tiểu buốt này thì tuỳ từng trường hợp khác nhau mà bác sĩ có thể chỉ định một hay nhiều các xét nghiệm, thăm dò chức năng dưới đây:
- Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu. Tìm sự có mặt của tế bào bạch cầu, pH nước tiểu, tế bào hồng cầu…
- Cấy nước tiểu để xác định vi khuẩn gây bệnh.
- Xét nghiệm chức năng thận
- Siêu âm, nội soi bàng quang để phát hiện các tổn thương hoặc các dấu hiệu bất thường như khối u, sỏi…
Điều trị tiểu buốt
Điều quan trọng nhất để có thể điều trị đúng phương pháp với các bệnh nhân gặp phải tình trạng tiểu buốt đó là xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị tận gốc, giải quyết nguyên nhân sẽ giúp cho bệnh nhanh khỏi, tránh tái đi tái lại. Theo đó có các phương pháp điều trị dùng thuốc là phổ biến nhất
- Nhóm thuốc kháng sinh: Sau khi nuôi cấy và phân lập được loại vi khuẩn thì căn cứ vào đó bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kháng sinh điều trị phù hợp. Các nhóm thường dùng là Sulfamid, cephalosporin, quinolon…
- Nhóm thuốc kháng nấm: Sử dụng trong điều trị đặc hiệu nấm. Nhóm kháng nấm gồm có nystatin, amphotericin B, Griseofulvin. Có thể dùng dạng uống hoặc dạng bôi tuỳ tình trạng bệnh lý.
- Thuốc chống viêm
- Thuốc chẹn anpha giúp thư giãn cơ quanh tiền liệt tuyến.
Ngoài sử dụng thuốc thì bác sĩ sẽ hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên về chế độ sinh hoạt sao cho phù hợp, nhằm nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh lý.
>>>Xem thêm
Các biện pháp phòng bệnh
Nguyên tắc phòng còn hơn chữa hầu hết mọi người đều biết. Đối với bệnh tiểu buốt này thì việc phòng bệnh giúp ngăn cản rất nhiều nguy cơ mắc bệnh. Nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao như phụ nữ, nam giới lớn tuổi. Các biện pháp phòng bệnh cụ thể là:
- Hạn chế việc sử dụng các loại xà phòng, chất tẩy rửa trên cơ thể, nhất là khu vực vùng kín nhằm giảm nguy cơ gây kích ứng.
- Sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục đó là đeo bao cao su. Chung thuỷ với bạn tình, không nên quan hệ với quá nhiều người sẽ tăng nguy cơ lây lan bệnh tật.
- Sinh hoạt vợ chồng điều độ, không thực hiện các hành vi quá mạnh bạo gây tổn thương cho cơ quan sinh dục và tiết niệu.
- Không sử dụng các loại đồ ăn, thức uống có thể gây kích thích cho bàng quang.
- Hạn chế dùng các loại rượu bia, cà phê, thức ăn cay nóng, tái cây hay nước trái cây, các sản phẩm từ cà chua hay chất làm ngọt nhân tạo.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm có tính acid cao .
- Bổ sung thêm các loại rau xanh, trái cây mọng nước như cam, bưởi, dưa hấu… vào trong thực đơn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng.
- Mỗi ngày nên uống từ 1,5-2 lít nước. Với những người lao động nặng nhọc, vận động ra nhiều mồ hôi thì cần bổ sung nhiều hơn lượng nước.
- Không nhịn tiểu, đi tiểu khi thấy buồn tiểu. Tốt nhất là tạo thói quen đi tiểu vào các khung giờ nhất định trong ngày.
- Thường xuyên vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ và đúng cách. Nhất là sau khi đi tiểu, đi vệ sinh, trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Tập thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên để nâng cao sức khoẻ, là nhân tố quan trọng giúp đẩy lùi các bệnh tật trước tác nhân gây bệnh cho cơ thể.
Bài viết đã đưa ra đầy đủ các kiến thức y học liên quan đến triệu chứng tiểu buốt. Có thể thấy rằng tiểu buốt có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân hết sức đơn giản hàng ngày nếu bạn không chú ý phòng bệnh như nhịn tiểu, uống ít nước, vệ sinh vùng kín không đúng cách… Bởi vậy ngay từ bây giờ mọi người cần có ý thức hơn trong việc phòng bệnh. Khi phát hiện triệu chứng bệnh thì nên đến các cơ quan y tế sớm nhất để được thăm khám, kiểm tra và điều trị, tránh bệnh chuyển biến nặng gây ra các biến chứng xấu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.