Nam giới khi có những biểu hiện như suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương, mệt mỏi, dễ chán nản… thì đó là dấu hiệu đặc trưng cảnh báo tình trạng thiếu hụt Testosterone. Nói đến hormon nội tiết này chúng ta biết ngay nó là hormon đại diện cho phái mạnh. Nếu bạn còn đang khá mờ hồ về nó cũng như vai trò của hormon này đối với sức khoẻ, sinh lý nam giới, hãy theo dõi bài viết dưới đây. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích đối với mọi người:
Nội dung bài viết
Testosteron là gì? Nó được sinh ra ở đâu
Testosterone là hormon nội tiết quan trọng đối với nam giới, có thể ví nó như một người “nhạc trưởng” chỉ huy nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể và góp phần tạo nên sức khoẻ cho họ. Đầu tiên nó giúp hoàn thiện nền tảng sức khoẻ cho phái mạnh, tiếp đến là mang đến đời sống tình dục viên mãn cho người đàn ông.
Testosterone trong cơ thể nam giới được sản xuất từ hai nguồn chính đó là:
- Tinh hoàn: Chiếm 95% tổng số lượng.
- Tuyến thượng thận: chiếm 4%.
Cơ thể nữ giới cũng có Testosterone được sản xuất ở tuyến thượng thận và buồng trứng.
Trung bình mỗi ngày nam giới tuổi trưởng thành có thể sản xuất ra 4 – 10mg Testosterone. Chỉ số này sẽ bị giảm nhẹ mỗi năm khi họ bước vào độ tuổi 30.
Vai trò của Testosterone đối với nam giới
Có thể nói testosterone là một trong những hormon quan trọng nhất đối với nam giới. Bởi nó chi phối cũng như có ảnh hưởng tới nhiều hoạt động chức năng khác nhau trong cơ thể, từ tim mạch, thần kinh, cơ – xương – khớp, hô hấp đến tuần hoàn, tiết niệu, sinh dục… Cụ thể như sau:
Quy định đặc tính của giới
Testosterone được sản xuất từ rất sớm trong bào thai, nó quy định các đặc tính về giới, hình thành các bộ phận đặc trưng của giới nam như tinh hoàn, ông dẫn tinh, túi tinh, dương vật, bìu và các tuyến phụ khác. Sau này trong quá trình dậy thì nó sẽ có sự tăng tiết mạnh nhất giúp tăng trưởng chiều cao, phát triển các đặc tính về giới như giọng nói trầm, phát triển râu, lông, giúp cơ bắp săn chắc và xuất hiện ham muốn tình dục ở nam giới.
Tác động đến hệ thần kinh trung ương
Cơ thể chúng ta là một cấu trúc hoàn hảo trong tất cả các hoạt động. Trong vấn đề kiểm soát sự tiết ra của testosterone cũng được điều khiển bởi một hệ thống mà vai trò chủ chốt là hệ thần kinh trung ương. Khi cơ thể thừa hay thiếu hormon này, vùng dưới đồi sẽ thông qua các hormon và chất trung gian hoá học để ra tín hiệu cho tuyến yên biết. Tuyến yên tiếp tục gửi tín hiệu cho tinh hoàn để tiết nhiều hơn hay ít đi testosterone.
Testosterone quy định một số hành vi như tính hung hăng và khả năng lãnh đạo, là thước đo của tính cạnh tranh, tăng lòng tự trọng. Thiếu hụt testosterone làm cho đàn ông mất tự tin, rối loạn giấc ngủ, giảm động lực và thiếu năng lượng sống. Ngoài ra nó còn tăng suy nghĩ tiêu cực, gây mất tập trung.
Thúc đẩy cho sự phát triển của hệ cơ – xương
Testosterone được nghiên cứu là có liên quan đến sự phát triển của hệ cơ và xương. Cụ thể là nó tăng mật độ xương, tăng sản xuất các tế bào hồng cầu trong tuỷ xương, tạo sự gắn kết chắc chắn giữa thân xương và màng xương để xương phát triển động bộ cả về độ lớn cùng độ dài, tăng sự chắc khoẻ bằng cách hấp thu tốt calci hơn. Ngoài ra nó còn kích thích sự tăng trưởng của các mô cơ bắp.
Ức chế sản sinh ra tế bào mỡ
Leptin là một hormon giúp sản sinh ra tế bào mỡ. Testosterone đóng vai trò ức chế hormon này giúp cho lượng mỡ trên cơ thể nhất là mỡ bụng luôn giữ được ở mức thấp nhất. Giúp cho cơ thể thon gọn và không có mỡ thừa.
Đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh sản
Cơ quan sinh dục nam, đặc điểm để phân biệt giới tính được hình thành vào tuần thứ 7 của thai kỳ dưới sự tác động của hormon Testosterone. Khi đến tuổi dậy thì, lượng hormon nội tiết dồi dào, lúc này dương vật và tinh hoàn phát triển mạnh mẽ. Đồng thời tinh hoàn cũng sản xuất ra một lượng Testosterone đủ để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể mỗi ngày.
Rất khó để thay thế Testosterone nội sinh bằng liệu pháp Testosterone. Bởi nó sẽ gây ức chế sản xuất Testosterone trong cơ thể. Ngoài ra còn tăng nguy cơ mắc các bệnh như phì đại tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến, teo tinh hoàn…
Ảnh hưởng đến khả năng tình dục
Như chúng ta đã nói thì Testosterone tạo ra ham muốn tình dục, hiện tượng cương dương của dương vật. Khi nó ở mức độ thấp thì ham muốn bị giảm, dương vật khó cương cứng. Mức độ dư thừa thì sẽ tạo nên bản tính hung hăng, thích bạo dâm…Và hơn nữa nó cũng chi phối quá trình sản xuất, nuôi dưỡng tinh trùng, đảm bảo cho chất lượng, số lượng tinh trùng.
Liên quan đến sự phát triển của da và tóc
Bước vào độ tuổi trưởng thành, hormon sinh dục này sẽ túc đẩy quá trình phát triển của tóc, lông nách, lông chân và quanh bộ phận sinh dục. Lông mọc nhiều hơn, đen hơn ở vùng cánh tay, cẳng chân. Khi lượng Testosterone không đảm bảo thì các quý ông sẽ có cơ thể nhẵn nhụi, ít lông hơn.
Và có tác động lên hệ tuần hoàn, tim mạch
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng Testosterone có tác động tích cực đến tim. Nhưng các nghiên cứu khác thì đưa ra lý thuyết rằng nó có ảnh hưởng không tốt đến nồng độ cholesterone trong máu, chỉ số huyết áp và các yếu tố đông máu. Chưa có công bố chính thức nào cho giả thuyết trên nên tất cả vẫn đang được nghiên cứu chuyên sâu.
Mất cân bằng nội tiết tố nam ảnh hưởng như thế nào đến nam giới
Tuỳ vào độ tuổi khác nhau thì nồng độ testosterone trong máu sẽ có chỉ số khác nhau. Nếu ở ngoài ngưỡng bình thường cho phép thì ta gọi đó là hiện tượng mất cân bằng nội tiết. Có hai trường hợp chủ yếu gồm suy giảm nội tiết tố nam và dư thừa testosterone. Chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể qua những thông tin dưới đây:
Suy giảm nồng độ Testosterone
Qua phần trên của bài viết chắc hẳn chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của hormon testosterone đối với sức khoẻ, khả năng sinh dục và sinh sản của cánh mày râu. Khi nồng độ hormon bị suy giảm, nam giới phải đối mặt với tình trạng sau:
- Suy giảm ham muốn tình dục: Đây có lẽ là triệu chứng đặc trưng nhất khi cơ thể thiếu hụt testosterone, bởi vì nó chính là chất xúc tác giúp tạo ra ham muốn của đàn ông. Sinh lý cơ thể người là sau độ tuổi 40, hormon sinh dục bắt đầu giảm tiết gọi là quá trình mãn dục nam.
- Rối loạn cương dương: testosterone còn chỉ đạo cho quá trình cương dương bởi nó kích thích sản xuất NO là một chất giúp tăng lưu lượng máu đến dương vật, tăng cường sự cương cứng. Khi bị suy giảm thì nam giới khó mà cương cứng một cách dễ dàng.
- Giảm chất lượng tinh dịch: Vì testosterone tham gia vào tổng hợp nên thành phần tinh dịch. Sự thiếu hụt làm cho tinh trùng và tinh dịch giảm về cả phần chất và lượng. Nam giới bị hiếm muộn, thậm chí là vô sinh.
- Khối lượng xương giảm: Ngoài đóng vai trò trong hoạt động tình dục và sinh sản, testosterone còn góp phần sản xuất và củng cố sự chắc khoẻ của xương. Nếu nồng độ testosterone trong máu không đảm bảo đủ thì sẽ dẫn đến hiện tượng loãng xương. Nhất là ở những người cao tuổi có thực trạng testosterone giảm, loãng xương, dễ gãy cũng như bị gãy thì liền xương rất chậm.
- Tăng tích trữ mỡ và làm mất đi khối cơ: Như đã nói ở trên thì testosterone còn có tác dụng hình thành cơ bắp. Khi bị thiếu hụt thì khối cơ trở nên mềm nhẽo, kém săn chắc. Cùng với đó là các mô mỡ được tích trữ nhiều hơn dưới da, phần ngực nở rộng.
- Tâm trạng thất thường, căng thẳng: Do suy giảm ham muốn hoặc rối loạn cương dương khiến đời sống tình dục không được thoả mãn. Cùng với đó là tâm trạng chán nản, mệt mỏi đến cực độ và không muốn làm gì cả. Đã có những nghiên cứu cho thấy rằng sự thiếu hụt testosterone khiến đàn ông tăng nguy cơ bị trầm cảm, cáu gắt và mất tập trung.
- Gây rụng tóc: testosterone cũng tham gia quá trình phát triển của tóc và lông. Khi nó không còn đủ cung cấp cho quá trình này tóc sẽ thiếu đi sự chắc khoẻ, dễ gãy rụng.
Dư thừa Testosterone trong cơ thể
Thiếu hụt gây những ảnh hưởng lớn tới cơ thể nam giới, nhưng dư thừa cũng không phải là một điều tốt. Khi tăng cao hơn so với chỉ số thông thường nam giới sẽ có những hiện tượng như tinh thần quá khích, thích những trò chơi mạo hiểm, cuồng dâm, chơi những trò dễ gây thương tổn, hay có hành động phạm tội. Khi testosterone cao quá mức họ thường tìm đến bi rượu nhiều hơn, hút thuốc thường xuyên hơn.
Xét nghiệm định lượng testosterone thực hiện trong trường hợp nào
Người ta có thể định lượng một cách chính xác nồng độ testosterone trong máu thông qua phương pháp xét nghiệm máu chuyên sâu. Theo đó chỉ số bình thường của một nam giới trong độ tuổi trường thành sẽ dao động từ 270-1070 ng/dL (hay 10-35 nanomol/lít). Khi thấp hơn con số này thì sẽ được chẩn đoán là testosterone thấp.
Xét nghiệm này thường được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân nhằm mục đích đánh giá chức năng sinh sản của nam giới. Thường xét nghiệm này sẽ kết hợp với xét nghiệm chỉ số FSH, LH…
- Nam giới bị rối loạn cương dương, suy giảm ham muốn nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Nam giới đang bị vô sinh, hiếm muộn…
- Kiểm tra những bất thường trong quá trình dậy thì ở trẻ nam như dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn.
- Có những bất thường tại cơ quan sinh dục, bộ phân sinh dục của trẻ sơ sinh nam.
- Đánh giá tình trạng rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, vô sinh ở phụ nữ hoặc phụ nữ có biểu hiện nam hoá giọng nói trầm, rậm lông…
- Bệnh u nang buồng trứng, u tinh hoàn…
- Người có biểu hiện rối loạn chức năng tuyến yêu và vùng dưới đồi.
Nồng độ hormon này sẽ có sự thay đổi chỉ số trong một ngày. Vậy nên để có dữ liệu chính xác nhất thời điểm lấy máu tốt nhất đó là trước 10 giời sáng khi mà nồng độ hormon này trong cơ thể đang lúc đạt đỉnh. Để có kết quả chính xác thì người thực hiên nên ngừng sử dụng các loại thuốc gây suy giảm hormon này. Kết quả thường có sau một vài ngày, bác sĩ sẽ so sánh dựa theo bảng tham chiếu.
Liệu pháp Testosterone là gì
Có rất nhiều nam giới từng được biết đến liệu pháp testosterone, vậy nó là gì? Thực tế do nhiều yếu tố từ bên ngoài tác động cũng như sự tăng dần của tuổi tác khiến cho nồng độ testosterone trong cơ thể bị suy giảm dẫn đến tình trạng thiểu năng sinh dục. Không phải sự thiếu hụt nào cũng cần phải điều trị. Liệu pháp này chỉ được sử dụng trong các trường hợp nồng độ testosterone quá thấp, ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống tình dục của nam giới. Tuỳ vào tiêu chí cải thiện để để điều trị các tình trạng bệnh khác nhau như cải thiện giọng nói, ngực nở, cải thiện khả năng tình dục… mà có liệu trình điều trị cụ thể. Theo đó liệu pháp này sẽ sử dụng testosterone nhân tạo để bổ sung vào cơ thể con người. Các sản phẩm bổ sung thông qua nhiều cách khác nhau như uống trực tiếp, tiêm, gel hay miếng dán dưới da.
Lưu ý chỉ áp dụng cho những đối tượng nam giới bị thiếu nồng độ hormon trong máu hoặc có biểu hiện lâm sàng thiếu androgen. Chống chỉ định trong các trường hợp:
- Nam giới có nguy cơ bị ung thư.
- Người đang bị ung thư.
- Người bị hội chứng ngưng ngủ chưa điều trị.
- Người bị phì đại tiền liệt tuyến gây rối loạn tiểu tiện chưa điều trị.
- Người bị suy tim mất bù hoặc suy tim chưa được kiểm soát.
Mặc dù có thể nhanh chóng làm tăng nồng độ testosterone trong cơ thể nhưng những tác dụng phụ mà nó mang lại không thể coi thường được:
- Nguy cơ cao gây ngưng thở khi ngủ.
- Kích thích hình thành các tế bào tiền liệt tuyến lành tính cùng tế bào ung thư tiền liệt tuyến ẩn trong ở thể phát triển.
- Nguy cơ cao hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu làm tắc nghẽn mạch máu (thuyên tắc phổi).
- Có thể gây co rút tinh hoàn.
- Hạn chế sự sản xuất tinh trùng .
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư tiền liệt tuyến.
Làm cách nào để tăng sản xuất Testosterone một cách tự nhiên
Các chuyên gia khuyên rằng nếu testosterone suy giảm trong cơ thể không liên quan đến các yếu tố bệnh lý thì cách cải thiện tốt nhất để tăng hàm lượng đó là áp dụng các biện pháp tăng tự nhiên nhằm tăng sản xuất hormon nội sinh. Nhờ vậy mà hạn chế được các tác dụng phụ không mong muốn nguy hiểm cho cơ thể. Cụ thể như sau:
- Xây dựng một lối sống lành mạnh: Luôn luôn suy nghĩ tích cực để cơ thể sản sinh ra hormon hạnh phúc, cũng như tăng sản xuất nội tiết tố nam.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với các bài tập điển hình như chạy bộ, nâng tạ, bơi lội, cầu lông,… để tăng sức mạnh và sức bền. Không chỉ nân cao sức khoẻ tổng thể mà còn giúp cho tinh thần sáng khoái, giải toả căng thẳng.
- Thư giãn tinh thần: Khi bị lo âu, căng thẳng, các hormon steroid tiết ra nhiều hơn làm ức chế sản xuất testosterone trong cơ thể. Bởi vậy những nam giới thường xuyên trong trạng thái này sẽ suy giảm ham muốn một cách rõ rệt. Ngoài ra việc căng thẳng thần kinh và steroid tiết ra nhiều làm tăng nguy cơ béo phì.
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học: Bằng cách có một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy cơ thể tăng sản xuất testosterone cũng như cần bằng các nhóm chất khác trong cơ thể bạn. Theo đó nam giới cần chú ý cung cấp đủ 1g đạm/ ngày, không ăn dư thừa. Ăn đủ carbohydrate để làm nguyên liệu sản xuất. Tăng cường nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, D, E, B…kẽm. Bổ sung vitamin D3. Hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu và các chất kích thích có hại khác. Và bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp tăng sản xuất testosterone nội sinh.
- Ngủ đủ giấc, cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc: Việc mất ngủ, ngủ không ngon giấc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm sản xuất testosterone bên trong. Vậy nên cần ngủ đủ một ngày 6 – 8 tiếng để cơ thể có được sự nghỉ ngơi tốt nhất, từ đó các hoạt động của cơ quan khác nhau trong đó có tuyến yên, tinh hoàn tạo ra testosterone mới thực sự hiệu quả.
Testosterone không chỉ là hormon nội tiết có vai trò quan trọng đối với đời sống tình dục của nam giới, nó còn góp phần vào sức khoẻ chung của cả cơ thể. Bởi vậy cần duy trì chỉ số này ở mức tốt nhằm nhằm đảm bảo duy trì hoạt động của các cơ quan một cách trơn tru và thuận lợi. Có thể nói phái mạnh muốn giữ vững phong độ của mình kể cả khi bước vào tuổi xế chiều sẽ chịu sự chi phối chủ yếu của hormon nội tiết này.