Để đánh giá một cách chín xác nhất về các tổn thương bên trong lòng ống tiêu hoá trên nhất là dạ dày thì các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp nội soi dạ dày cho người bệnh. Đây là một phương pháp an toàn, có tính ưu việt giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý có liên quan đến thực quản – dạ dày – tá tràng. Không chỉ cung cấp các hình ảnh trực quan đối với các bệnh thông thường, nội soi đường tiêu hoá còn giúp tầm soát được cả ung thư. Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây:
Nội dung bài viết
Nội soi dạ dày là gì
Nội soi dạ dày là một thủ thuật giúp các bác sĩ thăm khám trực tiếp bên trong lòng ống tiêu hoá trên bao gồm các đoạn như thực quản, dạ dày, tá tràng.. thông qua một ống soi mềm có kích thước nhỏ có gắn máy ghi hình. Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá sẽ căn cứ vào các hình ảnh chân thực này để chẩn đoán và điều trị những bệnh lý có liên quan tại đây. Vì đầu ống đi sâu vào trong ống tiêu hoá nên các tổn thương xuất hiện trên đường đi của nó dù là rất nhỏ cỡ vài milimet cũng có thể bị phát hiện thấy.
Các phương pháp nội soi dạ dày hiện nay, ưu và nhược điểm
Ngoài những phương pháp nội soi truyền thống thì ngành y học hiện đại đã phát triển, nghiên cứu ra những phương pháp mới nhằm giảm bớt khó chịu cho người bệnh khi tiến hành thủ thuật. Có 4 phương pháp chính đang được áp dụng phổ biến bây giờ bao gồm nội soi qua đường miệng, nội soi qua đường mũi, nội soi qua viên năng và nội soi gây mê. Cụ thể về từng phương pháp, ưu nhược điểm của nó như sau:
Nội soi dạ dày qua đường miệng
Nội soi tiêu hóa qua đường miệng là phương pháp nội soi truyền thống đã được áp dụng từ trước đây rất lâu. Người bệnh sẽ uống thuốc để loại bỏ chất nhầy niêm mạc trên đường đi của ống nội soi. Sau đó là xịt thuốc gây tê ở miệng để giảm cảm giác khó chịu. Khi nội soi thì người bệnh thở bình thường nhưng sẽ không nói được.
Ưu điểm
- Thực hiện đơn giản, có độ chính xác cao.
- Giá thành thấp.
- Có thể thực hiện các thủ thuật song song như cắt polyp, lấy dị vật, cầm máu, thắt tĩnh mạch… khi phát hiện ra bất thường trong quá trình nội soi.
Nhược điểm
- Đường kính ống nội soi lớn.
- Khi ống nội soi đi quá miệng có chạm vào lưỡi gà, vòm khẩu cái, đáy lưỡi nên dễ kích thích gây nôn, khó chịu cho người bệnh.
Nội soi dạ dày qua đường mũi
Nội soi qua đường mũi là phương pháp thứ hai mà chúng tôi muốn nói đến. Với cách này bác sĩ hoặc kĩ thuật viên sẽ sử dụng một ống nội soi mềm, kích thước nhỏ đi qua đường mũi, xuống họng, thực quản rồi xuống dạ dày. Hoặc có thể xuống sâu hơn nữa tùy mục đích thực hiện thủ thuật. Bác sĩ có thể dễ dàng quan sát niêm mạc đường tiêu hóa trên đường đi của ống thông qua một màn hình chiếu. Từ đó dễ dàng phát hiện những tổn thương, bất thường giúp ích cho sự chẩn đoán, điều trị bệnh. Về phương pháp này có ưu điểm, nhược điểm:
Ưu điểm
- Phương pháp dễ thực hiện, có độ chính xác cao.
- Ống nội soi kích thước nhỏ, chỉ khoảng 5,9mm.
- Đường đi qua mũi, xuống họng nên không chạm phải lưỡi gà và đường hầu họng, người bệnh ít cảm thấy khó chịu, buồn nôn hơn so với nội soi qua đường miệng.
- Trong quá trình nội soi người bệnh vẫn có thể nói chuyện, trao đổi với bác sĩ, phản ảnh kịp thời những bất thường trong lúc bác sĩ thực hiện thủ thuật.
- Thời gian thực hiện không quá dài, chỉ khoảng 15 phút mà thôi.
Nhược điểm
- Phương pháp này khó thực hiện đối với người có bệnh lý ở mũi như hẹp khe mũi, u mũi…
- Chi phí đắt hơn so với nội soi qua đường miệng.
- Nếu cần phải thực hiện các thủ thuật song song như lấy dị vật, cắt polyp, cầm máu, thắt mạch, tiêm xơ hay nong mạch thì không thể thực hiện được mà phải chuyển sang nội soi bằng miệng.
- Khi rút ống thì có thể gây chảy máu mũi hoặc đau mũi.
Nội soi dạ dày có gây mê
Nếu các phương pháp truyền thống gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh trong quá trình thực hiện thì họ có thể đề nghị dùng phương pháp nội soi có gây mê. Thực chất là bác sĩ vẫn nội soi quá đường miệng nhưng người bệnh được dùng thuốc mê, ở trong trạng thái không có ý thức.
Ưu điểm
- Vì đã được gây mê nên người bệnh sẽ không khó chịu, buồn nôn.
- Giảm những ám ảnh khi nội soi bằng phương pháp thường và hạn chế tối đa các hành động nguy hiểm như giật ống, giãy giụa.
- Thời gian gây mê ngắn, thuốc mê hàm lượng ít nên chỉ khoảng 2-3 phút sau nội soi là người bệnh tỉnh lại, không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ.
- Có thể thực hiện đồng thời các thủ thuật can thiệp, thuận lợi và an toàn.
Nhược điểm
- Chi phí cao hơn so với nội soi truyền thống.
- Thủ thuật phức tạp, bác sĩ cần thêm bước gây mê. Trước đó cần phải làm một số xét nghiệm như điện tâm đồ để đảm bảo an toàn.
- Sau tỉnh người bệnh vẫn mệt mỏi, buồn ngủ do còn tác dụng của thuốc.
- Bác sĩ phải theo dõi sau đó.
Nội soi dạ dày bằng viên nang
Nội soi bằng viên nang là phương pháp khá mới. Theo đó người bệnh sẽ phải nuốt một thiết bị có kích thước nhỏ tương đương viên thuốc bi trên đó có gắn đầu chụp. Khi nuốt xuống, trên đường đi nó có thể chụp hình với tần suất là 3 hình trong 1 giây và gửi về máy theo dõi. Bác sĩ sẽ quan sát và đưa ra nhận định từ hình ảnh gửi về.
Ưu điểm
- Phương pháp này không gây đau, khó chịu cũng như buồn nôn.
- Nội soi viên nang cho phép thiết bị đi sâu dưới phần sau của dạ dày, nhờ đó bác sĩ có thể quan sát được cả đường ống tiêu hóa dưới. Từ đó phát hiện sớm các bất thường.
- Trong khi soi người bệnh vẫn có thể ăn uống, sinh hoạt, nói chuyện như bình thường.
- Hạn chế được nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP khi dùng chung dụng cụ nội soi so với các phương pháp truyền thống.
- Không lo về các tác dụng phụ hay biến chứng.
Nhược điểm
- Đây là một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay nên giá thành cho một lần nội soi là không hề rẻ.
Khi nào cần nội soi dạ dày, chỉ định và chống chỉ định
Nội soi dạ dày được các bác sĩ chỉ định nhằm mục đích dưới đây:
- Chẩn đoán: Thông qua các hình ảnh gửi về máy trong quá trình nội soi sẽ giúp cho các bác sĩ đánh giá được tình trạng bệnh, xác định nguyên nhân cũng như chẩn đoán về bệnh lý. Khi cần thiết thì họ có thể tiến hành làm một số xét nghiệm đồng thời như Clo – test để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP (Lấy một mẫu nhỏ niêm mạc dạ dày nơi viêm hoặc ổ loét. Cho mẫu vào lọ đựng thuốc thử clo-test và quan sát sự đổi màu. Nếu dung dịch chuyển sang màu hồng thì xét nghiệm dương tính, có sự xuất hiện của HP), sinh thiết tìm tế bào ung thư (lấy mô nhỏ tại vị trí tổn thương đem quan sát dưới kính hiển vi tìm sự bất thường).
- Điều trị: Trong một số trường hợp thì nội soi này còn có tác dụng điều trị một số bệnh lý như xuất huyết dạ dày, lấy dị vật trong ống tiêu hoá, cắt polyp, nong thực quản…
Chỉ định nội soi dạ dày trong các trường hợp dưới đây:
- Người đang có những dấu hiệu của bệnh lý dạ dày như đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, trào ngược, ăn uống kém, sút cân không rõ nguyên nhân…
- Người có nghi ngờ bị xuất huyết tiêu hoá với những biểu hiện triệu chứng sau: nôn ra máu, thiếu máu chưa rõ nguyên nhân, đi ngoài phân đen…
- Tầm soát một số bệnh lý như bệnh barret thực quản, hội chứng đa polyp, ung thư ở những người nguy cơ cao.
- Can thiệp kiểm soát các tổn thương như câm máu, tiêm teo búi giãn tĩnh mạch, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xuất huyết tiêu hoá, lấy dị vật, cắt polyp, hớt niêm mạc (trong điều trị ung thư)…
Bên cạnh những chỉ định cho từng trường hợp cụ thể thì thủ thuật nội soi này cũng được chống chỉ định với:
- Bệnh nhân từ chối hợp tác với bác sĩ. Kể cả khi dùng phương pháp nội soi gây mê hoặc nghi ngờ người bệnh bị thủng đường tiêu hoá.
- Người bị bệnh tâm thần
- Người bị bệnh suy tim, khó thở (vì bất kì nguyên nhân nào), phình động mạch chủ, xơ gan cổ chướng, nhồi máu cơ tim,…
- Bị bỏng do uống phải acid
- Thủng dạ dày hay thủng các vị trí khác trong ông tiêu hoá.
Quy trình nội soi dạ dày
Quy trình nội soi dạ dày thông thường bao gồm 3 phần chính đó là chuẩn bị trước nội soi, thực hiện thủ thuật nội soi và sau khi nội soi. Cụ thể là:
Trước khi nội soi
- Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, hỏi về bệnh sử, bệnh lý và chỉ định các xét nghiệm cần làm trước khi nội soi. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ tất cả các thông tin được yêu cầu để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra khi nội soi.
- Bác sĩ giải thích cho người bệnh về thủ thuật này (và cả gây mê nếu làm nội soi gây mê). Người bệnh hiểu và chấp nhận thực hiện cùng các rủi ro có thể xảy ra thì sẽ phải kí cam kết đồng ý.
- Bác sĩ tiến hành làm sạch đường tiêu hoá của người bệnh để dễ quan sát tổn thương và tình trạng bên trong ống tiêu hoá.
- Người bệnh cần nhịn ăn trước nội soi 6-8 tiếng.
- Trước 10-30 phút nội soi người bệnh được uống dung dịch làm sạch bọt và chất nhày trong dạ dày.
- Ngưng sử dụng một số loại thuốc nhất định, ví dụ như thuốc chống đông trước vài ngày để phòng nguy cơ xuất huyết (nếu có thực hiện thủ thuật kèm theo).
- Một số trường hợp đặc biệt như người bệnh mắc bệnh mạn tính đái tháo đường, cao huyết áp,… thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể về thuốc trước khi nội soi.
Thực hiện thủ thuật nội soi
- Người bệnh được nằm trên giường bệnh, nghiêng người sang bên trái. Chân phải co lại, chân trái duỗi thẳng.
- Nếu nội soi qua đường miệng thì người bệnh được ngậm một dụng cụ bằng nhựa để cố định trạng thái sao cho giữ miệng luôn mở, bảo vệ răng miệng.
- Lắp ráp các thiết bị theo dõi chỉ số sinh tồn như theo dõi mạch, huyết áp, nhịp tim lên người. Nếu nội soi gây mê thì đặt đường truyền tĩnh mạch tại cánh tay.
- Bác sĩ nội soi chuẩn bị dụng cụ. Bắt đầu đưa ống nội so đi qua thực quản, xuống dạ dày rồi xuống tá tràng.
- Cách hình ảnh được quay lại liên tục trên đường đi của đầu ống, bác sĩ theo dõi. Khi thấy có dấu hiệu bất thường thì dừng lại và quan sát kĩ hơn. Chụp ảnh lại để có được hình ảnh lưu vào hồ sơ sau này.
- Có thể không khí sẽ được bơm vào thực quản người bệnh giúp làm căng phồn ống tiêu hoá, ống nội soi đi xuống dễ dàng hơn và phát hiện được các tổn thương tại những nếp gấp.
- Trong quá trình nội soi nếu cần tiến hành các thủ thuật thì bác sĩ cũng có thể thực hiện ngay.
- Sau khi xong bác sĩ nhẹ nhàng rút ống nội soi ra khỏi miệng người bệnh.
Sau khi nội soi
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi lại một thời gian ngắn để cân bằng lại trước khi ra về. Người bệnh gây mê thì cần đợi 30 phút để hồi tỉnh.
- Kết quả nội soi sẽ có ngay sau đó, bác sĩ sẽ thông báo cho người bệnh và người nhà về tình trạng bệnh lý. Có thể đưa ra phương án điều trị tiếp theo hoặc kê đơn thuốc cho về nhà.
- Dặn dò người bệnh những lưu ý sau khi ra về.
Nội soi dạ dày mất bao lâu? Có đau không
Nội soi dạ dày mất bao lâu thời gian sẽ phụ thuộc vào phương pháp bạn lựa chọn. Theo đó:
- Với nội soi truyền thống (qua đường miệng) thì mỗi một bệnh nhân sẽ mất trung bình từ 30 – 45 phút kể từ khi người bệnh chuẩn bị, bác sĩ thực hiện thao tác cho đến khi hoàn thành và có kết quả.
- Nội soi thông qua đường mũi: Phương pháp này thì thời gian thực hiện ngắn hơn, chỉ khoảng 15 phút mà thôi
- Nội soi gây mê thì mất từ 15-20 phút cho mỗi người bệnh.
Cảm giác của người bị nội soi đa phần là khó chịu, buồn nôn và nôn. Bởi vì nếu không gây mê thì họ có thể cảm nhận rõ ràng đầu ống nội soi đi qua họng xuống tận dạ dày của mình. Nội soi qua đường miệng chu vi đầu ống to hơn so với nội soi đường mũi nên khó chịu hơn rất nhiều, hơn nữa nó còn đi qua các bộ phận như lưỡi gà, khẩu cái, đáy lưỡi,… nên càng kích thích buồn nôn. Mặc dù trên đầu ống được bôi một lớp gel bôi trơn giúp nó đi lại trong đường tiêu hoá một cách thuận lợi nhưng nếu bác sĩ không có kinh nghiệm, thực hiện thao tác thô bạo thì người bệnh có thể sẽ thấy đau. Còn với nội soi gây mê do người bệnh ngủ trong suốt quá trình thực hiện nên sẽ không cảm thấy gì. Sau khi tỉnh thì chỉ thấy dị cảm ở họng một chút mà thôi.
Các biến chứng có thể xảy ra khi nội soi
Theo đánh giá của các chuyên gia thì thủ thuật nội soi dạ dày tương đối an toàn. Tuy nhiên nó vẫn tiềm ẩn một tỷ lệ rất thấp ngu cơ biến chứng. Các rủi ro này có thể bao gồm:
- Người bệnh có thể bị hít sặc thức ăn hoặc dịch trong dạ dày vào phổi nếu trước khi thực hiện không nhịn ăn đủ giờ theo hướng dẫn.
- Có một số thuốc sẽ được sử dụng trong quá trình nội soi. Với những người cơ địa dị ứng với các thành phần trong những thuốc này sẽ có phản ứng. Bởi vậy để hạn chế nguy cơ bác sĩ nên hỏi rõ về tiền sử dị ứng thuốc.
- Trào ngược dạ dày
- Xuất huyết cũng có thể xảy ra sau nôi soi nếu trong quá trình nội soi bác sĩ thực hiện một số thủ thuật khác như lấy mẫu sinh thiết, điều trị bệnh lý tiêu hoá. Thường thì nếu bị cũng dễ được kiểm soát tốt, rất hiếm trường hợp mất quá nhiều màu dẫn đến phải truyền máu.
- Nhiễm trùng: Khi thực hiện các thủ thuật kết hợp nội soi thì có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng cho người bệnh. Với những người có nguy cơ bị nhiễm trùng cao thì bác sĩ thường phải cho họ uống kháng sinh dự phòng trước khi thực hiện thủ thuật.
- Nguy cơ lây nhiễm bệnh: Mỗi máy nội soi chỉ có một que đầu dò duy nhất. Sau khi thực hiện xong cho một người bệnh thì bác sĩ, kĩ thuật viên sẽ tiến hành sát trùng sạch sẽ. Nhưng nếu khâu này không được đảm bảo thì nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người này sang người kia vẫn có.
- Rách hoặc thủng đường tiêu hoá trên: Biến chứng này cũng hiếm gặp. Nguyên nhân có thể đến từ quá trình thực hiện thao tác của bác sĩ kết hợp với các yếu tố thuận lợi bên trong đường tiêu hoá. Theo thống kê thì trong 10.000 trường hợp chỉ có 3 – 5 người bệnh gặp biến chứng này. Lúc này người bệnh cần quay lại nhập viện, bác sĩ sẽ đóng lỗ thủng bằng kẹp kim loại qua nội soi hoặc phẫu thuật để khâu lỗ thủng.
- Khi nội soi có gây mê thì người bệnh có thể gặp biến chứng sock phản vệ rất nguy hiểm cần phải lưu ý.
Ngoài các biến chứng trên khi có những triệu chứng bất thường như sốt, đau ngực, khó thở, đi ngoài phân đen, nuốt khó, đau bụng nhiều liên tục, nôn ói… thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay.
>>>Xem thêm
Chi phí nội soi dạ dày có đắt không
Kinh tế chi phối rất nhiều trong việc lựa chọn phương pháp nội soi. Bởi với 4 phương pháp khác nhau sẽ có mức giá chênh lệch không phải là nhỏ. Theo như thống kê chi phí bạn phải trả nếu thực hiện các phương pháp nội soi như đã kể trên đó là:
- Phương pháp nội soi qua đường miệng, mũi bạn sẽ phải trả khoảng từ 600.000 – 750.000 đồng.
- Phương pháp nội soi gây mê rơi vào từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng tuỳ cơ sở.
- Nội soi bằng viên nang tốn kém nhất là 10 – 12 triệu đồng cho mỗi lần thực hiện.
Một số điều người bệnh cần biết trước và sau khi nội soi
- Nhịn ăn trước khi nội soi 6-8 tiếng để dạ dày sạch nhằm quan sát được tốt hơn các tổn thương.
- Không uống các loại nước có màu trước khi nội soi. Ví dụ như nước ca,.coca-cola, cà phê… Chỉ nên uống nước lọc với lượng ít.
- Không sử dụng các thuốc bao niêm mạc dạ dày trước nội soi như gastropulgite, phosphalugel….
- Người có tiền sử bệnh như hen suyễn, tim mạch, bệnh thận, di ứng thì cần thông báo cho bác sĩ trước.
- Thông báo cho bác sĩ các thuốc đang sử dụng.
- Sau nội soi nên súc miệng sạch sẽ nhưng không nên khạc nhổ.
- Không ăn uống gì khoảng 1 tiếng sau nội soi hoặc trước khi có kết quả chẩn đoán của bác sĩ.
- Sau khoảng 2 giờ thì người bệnh có thể sử dụng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá hoặc sữa nguội. Không nên dùng sữa nóng vì dễ gây tổn thương dạ dày.
Nội soi dạ dày là phương pháp tốt nhất giúp bác sĩ kiểm tra, phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến các cơ quan tiêu hoá như thực quản, dạ dày, tá tràng. Thủ thuật này cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, máy móc hiện đại, độ chính xác cao nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng cùng nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác. Hy vọng những thông tin dưới đây đã cung cấp cho mọi người những kiến thức y học bổ ích.