Khi con người bắt đầu đi thẳng bằng hai chân thì người ta đã không tránh khỏi đau lưng và gối, bởi khớp gối với điểm tiếp xúc rất nhỏ, khớp gối đã nâng đỡ được trọng lượng toàn thân, khi đi trên mặt đất bằng thì trọng lực mà khớp gối gánh chịu là bằng bốn lần trọng lượng cơ thể, khi lên xuống cầu thang thì trọng lượng chịu đựng bằng 17 lần trọng lượng toàn thân.
Lúc còn trẻ thì cơ thể chịu phụ tải nặng chẳng khó khăn gì, nhưng khi con người đến tuổi trung niên, tuổi già, khả năng đệm đã yếu khó động tác phức tạp, hơn nữa gân cốt đã lão hóa, làm một động tác mạnh thường dễ dẫn đến đau khớp gối. Có người cho rằng sự lão hóa của con người là bắt đầu từ chân. Để có một sức khỏe tốt bạn không nên coi nhẹ bất cứ một sự đau đớn nào ở các khớp chân, đặc biệt là đau khớp gối.
Nội dung bài viết
Thoái hóa khớp gối là gì ?
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm và hiện tượng giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn điểm nối giữa hai đầu xương. Đây là tình trạng lão hóa của khớp, sụn khớp bị thoái hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, mòn, khuyết…
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh khớp mãn tính thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh gặp ở mọi chủng tộc, mọi thành phần xã hội, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, trong số những người mắc bệnh về xương khớp thì có khoảng 20% người bị thoái hóa khớp. Và khớp gối chiếm tỉ lệ khoảng 13% và xếp thứ 3 trong những khớp có tỷ lệ thoái hóa cao nhất ( Cột sông thắt lưng 31%, cột sống cổ 14%, khớp gối 13 % ).
Càng cao tuổi, tỷ lệ người mắc bệnh thoái hóa khớp gối càng cao. Nhưng cũng có những người còn trẻ nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu của thoái hóa khớp gối. Vậy thoái hóa khớp gối từ đâu gây ra ?
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Thoái hóa khớp gối xảy ra do sự mất cân bằng giữa 2 quá trình tái tạo sụn và thoái hóa sụn.
Lão hóa
Tuổi càng cao thì quá trình tái tạo sụn càng giảm, đồng thời tốc độ thoái hóa sụn tăng lên, sự mất cân bằng giữa 2 quá trình này dẫn tới hiện tượng các tế bào sụn già không được thay thể, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharide giảm và rối loạn. Từ đó chất lượng sụn giảm dần, tính chất đàn hồi và khả năng chịu lực giảm.
Yếu tố cơ giới
Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tích tỳ nén bình thường của khớp gối dẫn đến thoái hóa khớp
Biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm, u, loạn sản… làm thay đổi hình dạng và sự tương quan của khớp.
Khớp gối quá tải : Do tăng cân béo phì, công việc phải thường xuyên bê vác nặng.
Theo thuyết cơ học : những yếu tố này tác động làm tăng bất thường lực nén trên 1 đơn vị diện tích bề mặt khớp hoặc đĩa đệm, lâu ngày gây tổn thương sụn khớp, từ đó gây thoái hóa khớp.
Theo thuyết tế bào : các tế bào sụn bị cứng lại do tăng áp lực, giải phóng ra các enzym tiêu protein, enzym này làm hủy hoại dần chất cơ bản, dẫn tới thoái hóa khớp.
Các yếu tố khác
Do di truyền cơ địa già sớm
Phụ nữ tuổi mãn kinh
Đái tháo đường
Loãng xương.
Triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Đau
Là triệu chứng thường gặp nhất
Bệnh nhân thấy đau ở tại khớp gối
Đau tăng khi vận động mạnh và giảm khi được nghỉ ngơi
Đau tại khớp gối, ít khi đau lan tới khu vực khác
Tính chất đau : thường đau âm ỉ, ngồi xổm hoặc đứng lên ngồi xuống có khi thấy đau buốt
Một số ít thường hợp đau có kèm thêm sưng nóng đỏ tại khớp gối.
Hạn chế vận động
Hạn chế vận động chủ động và thụ động tại khớp gối, nhất là động tác gấp, mức độ hạn chế không nhiều và có thể hạn chế ở một số động tác như ngồi xổm, quỳ gối…
Trường hợp hạn chế vận động nhiều thường do các phản ứng co cơ kèm theo.
Có thể có dấu hiệu phá gỉ khớp vào buổi sáng, thấy khớp gối cứng lúc sau khi ngủ dậy hoặc bắt đầu hoạt động.
Biến dạng khớp
Khớp gối bị thoái hóa không biến dạng nhiều như các bệnh khớp khác ( viêm khớp dạng thấp, goutte… ). Hiện tượng biến dạng khớp trong thoái hóa khớp do mọc các gai xương hoặc lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
Các dấu hiệu khác
Teo cơ : Người bị thoái hóa khớp gối thường bị đau cứng nên ít hoạt động lâu ngày dẫn đến hiện tượng teo các cơ chi phối vận động vùng khớp gối, cơ đùi, dần dần có thể biểu hiện giống liệt chi dưới.
Phát ra tiếng lạo xao khi đi lại hoặc luyện tập phần khớp gối.
Có thể có dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè khi khám
Tràn dịch khớp gối do phản ứng xung huyết và tiết dịch của màng hoạt dịch.
Cận lâm sàng
X Quang khớp gối có thể thấy hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương, dị vật trong khớp gối ( nếu có tổn thương ).
Chẩn đoán
Để biết chắc mình có bị thoái hóa khớp gối hay không thì cần phải dựa các dấu hiệu sau.
Đau và hạn chế vận động khớp gối
Có dấu hiệu phá gỉ khớp, cứng khớp khi mới ngủ dậy hoặc khi bắt đầu vận động.
Có tiếng lạo xạo trong khớp khi vận động và tập luyện
X Quang thấy có hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn hoặc gai xương.
Phân loại
Thoái hóa khớp nguyên phát
Xuất hiện tự nhiên, không tìm thấy nguyên nhân nào khác ngoài tuổi tác
Tình trạng thoái hóa tiến triển chậm, tăng dần theo độ tuổi, mức độ không nặng.
Thoái hóa khớp thứ phát
Phần lớn do nguyên nhân cơ giới
Tình trạng thoái hóa nặng và tiến triển nhanh
Thoái hóa khớp gối thứ phát ở người cao tuổi thường do các nguyên nhân sau :
Chấn thương
Bệnh xương sụn : hoại tử xương vô khuẩn hoặc hủy hoại sụn do viêm
Các tổn thương cấu trúc dây chằng – bao khớp : quá dãn dây chằng, xơ cứng bao khớp.
Bệnh khớp vi tinh thể : goutte mạn tính, calci hóa sụn khớp.
Bệnh khớp do thần kinh : giang mai thần kinh, các bệnh thần kinh khác.
Do thuốc : sử dụng corticoid kéo dài.
Điều trị
Hiện nay có rất nhiều phương pháp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa khớp gối như dùng thuốc đông – tây y, Ngoại khoa, xoa bóp bấm huyệt, chườm ấm, châm cứu, ăn uống, tập luyện…
Dùng thuốc tây y theo nguyên tắc cơ bản
Làm chậm quá trình hủy hoại khớp, đặc biệt là ngăn sự thoái hóa của sụn khớp.
Giảm đau.
Duy trì khả năng vận động, hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phế.
Dùng thuốc đông y
Với bệnh thoái hóa khớp gối theo y học cổ truyền có rất nhiều thể, nên sẽ có các pháp chữa khác nhau như:
Bổ can thận
Thông kinh hoạt lạc
Hành khí, hoạt huyết
Ích khí, dưỡng thận,khử tà
Ngoại khoa
Nội soi khớp gối : ngày càng được ứng dụng rộng rãi, nội soi khớp gối có tác dụng cắt các mảnh sụn, bao khớp bị rách do thoái hóa , bơm rửa làm kéo dài thời gian không đau của khớp, có thể cấy ghép các tế bào sụn nuôi để phục hồi bề mặt khớp.
Điều trị ngoại khoa dự phòng : Sửa chữa dị dạng và lệch trục khớp gối. Tuy nhiên phương pháp này ít áp dụng đối với người cao tuổi.
Thay khớp giả : chỉ định trong trường hợp đau nhiều, chức năng vận động của khớp hạn chế nhiều và tổn thương cấu trúc khớp nặng, không đáp ứng với phương pháp điều trị nội khoa.
Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp nhẹ nhàng quanh vùng khớp gối rất tốt để lưu thông khí huyết giúp giảm đau trong những cơn đau vào lúc mới ngủ dậy hoặc lúc vận động mạnh bất ngờ.
Bạn cũng có thể đến những cơ sở xoa bóp bấm huyệt để được xoa bóp và bấm huyệt giúp đả thông kinh lạc, khí huyết lưu thông, tăng đào thải các chất độc tố ở khớp, hỗ trợ rất hiệu quả cho bệnh thoái hóa khớp gối.
Chườm ấm
Chườm ấm giúp giảm đau và cứng khớp rất hiệu quả, đặc biệt là những ngày thời tiết lạnh giá.
Bạn có thể dùng 200g lá ngải cứu tươi + 50g lá lốt + 1 thìa muối, thái nhỏ lá lốt rồi cho tất cả vào chảo rang khô cho nóng lên, sau đó cho dùng 1 lớp vải dày bọc lại thành một chiếc túi ( sờ ngoài lớp vải chỉ hơi ấm ) dùng túi đó chườm vòng quanh gối khoảng 15 đến 30 phút, bạn sẽ thấy triệu chứng đau và cứng khớp giảm rất nhanh.
Châm cứu
Châm cứu cũng giống như xoa bóp bấm huyệt có tác dụng đả thông kinh lạc, chỉ thống tiêu viêm rất tốt trong hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối.
Bạn nên đến các cơ sở châm cứu để được điều trị theo phác đồ điều trị hợp lý nhất.
Ăn uống
Chế độ ăn uống hợp lý sẽ là phương pháp điều trị rất tốt, người thoái hóa khớp gối nên ăn uống những thực phẩm giúp giảm đau, tăng tái tạo sụn, ngăn ngừa sự lão hóa, giàu dinh dưỡng giàu canxi như trứng, sữa, các loại rau xanh, hoa quả… không nên sử dụng những thứ làm tăng quá trình lão hóa và có hại cho cơ thể như rượu bia,thuốc lá…
Tập Luyện
Người bị thoái hóa khớp gối nên tập luyện nhẹ nhàng, những phương pháp như khí công dưỡng sinh đặc biệt rất phù hợp.
Một số bài tập phù hợp cho người bị thoái hóa như : thái cực quyền, bát đoạn cẩm…
Một số phương pháp điều trị khác :
Tránh không cho khớp quá tải trọng lượng và vận động
Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nặng ở người béo phì
Giữ cơ thể ở tư thế hợp lý, cân đối, tránh các tư thế đứng lâu, ngồi vẹo, lệch, không cân đối.
Thay đổi tư thế thường xuyên, tránh đứng lâu, ngồi lâu một tư thế, sẽ gây ứ trệ tuần hoàn, dinh dưỡng kém gây cứng khớp
Chế độ sinh hoạt điều độ, thoải mái, tránh các stress, kết hợp hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin về bệnh thoái hóa khớp gối, mong rằng những thông tin này sẽ có ích với bạn đọc, giúp các bạn có thể biết, phòng tránh, và điều trị tốt cho mình cũng như người thân, để mọi người luôn có một sức khỏe toàn diện.
Chúc các bạn luôn khỏe mạnh và bình an trong cuộc sống !