Rách chóp xoay là bệnh lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận động của khớp vai. Cần có phương pháp điều trị thích hợp căn cứ vào nhiều yếu tố để quyết định. Nhưng dù có áp dụng phương pháp nào thì vật lý trị liệu rách chóp xoay luôn là một phần quan trọng nhằm mục đích phục hồi tầm vận động của khớp vai. Tham khảo các bài tập trong bài viết dưới đây:
Nội dung bài viết
Nguyên nhân của rách chóp xoay
Chóp xoay là một sự tổ hợp của khớp vai bao gồm gân cơ trên gai, gân cơ dưới gai, gân cơ tròn bé và gân cơ dưới vai. Cấu trúc này đóng góp một phần vào các hoạt động phức tạp của khớp vai. Khi vì một lý do nào đó làm rách tại nơi bám tận của một hay nhiều trong 4 gân trên gây đau, làm giảm hoặc mất tầm vận động của khớp hoàn toàn, đó chính là hiện tượng rách chóp xoay.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng rách chóp xoay, thường đó là do thoái hóa khớp vai hoặc do chấn thương.
- Thoái hóa: do tuổi tác hoặc do các vấn đề về chuyển hóa, mạch máu nuôi dưỡng kém dẫn tới tình trạng thoái hóa khi hoạt động mạnh vô tình làm rách chóp xoay. Trường hợp này hay gặp ở những người trung niên >50 tuổi và cao tuổi hay hoạt động các động tác giơ tay lên quá đầu nhiều lần như chơi thể thao, những công việc phải làm động tác này…
- Chấn thương: do đập vai ở tư thế tay dang ngang khi hoạt động, do ngã hoặc do tai nạn lao động… Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh cấp tính. Ngoài ra còn do sự mất vững khớp ổ chảo – cánh tay (sau nhiều lần bị trật khớp vai làm cho cơ vùng chóp xoay rách thứ phát), hay các vi chấn thương do hành động lặp đi lặp lại nhiều lần (thường thấy ở các vận động viên bơi lội, cử tạ hay những người làm việc chân tay).
Dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị rách chóp xoay
Rách chóp xoay là một tổn thương thực thể biểu hiện với triệu chứng nổi bật nhất là đau vùng vai, đau tăng khi vận động vai. Tính chất của đau được thể hiện như sau:
- Đau tại vị trí vùng khớp vai, lan xuống cánh tay nhưng không quá khuỷu tay. Đau còn lan lên đến vùng cổ.
- Đau tăng lên về đêm khiến người bệnh mất ngủ.
- Người bệnh không nằm nghiêng về bên vai đau được.
- Tùy theo tổn thương rách bán phần hay toàn phần mà mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng.
- Khi cầm nắm để nâng vật hoặc đưa tay lên quá đầu càng khiến đau tăng nhiều hơn.
- Để ý một chút sẽ nghe thấy các tiếng lạo xạo tại vị trí mỏm cùng vai khi vận động cánh tay.
- Hạn chế các vận động của khớp vai.
Để chẩn đoán chính xác về rách chóp xoay bạn cần có sự thăm khám trực tiếp của các bác sĩ có chuyên môn. Tại đó bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng về các phương diện như tầm vận động, khám teo cơ, khám sức cơ, các nghiệm pháp định vị cho vị trí bị rách. Ngoài ra họ còn sử dụng các phương pháp cận lâm sàng như chụp X – quang, siêu âm khớp vai, cộng hưởng từ khớp vai hay cắt lớp vi tính tùy theo sự đánh giá khi khám bệnh. Từ đó đưa ra các phương pháp vật lý trị liệu rách chóp xoay thích hợp.
Rách chóp xoay có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa như thế nào?
Hiện tượng rách chóp xoay tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Một số biến chứng nếu để lâu không chữa trị như:
- Mất vĩnh viễn hoặc yếu dần cử động của khớp vai.
- Làm cho tình trạng thoái hóa nặng lên.
- Nếu bất động khớp vai quá lâu có thể khiến các mô liên kết xung quanh khớp cũng trở nên dày và căng làm vai bị đông cứng.
Để hạn chế những biến chứng trên cần chú ý thay đổi thói quen hoạt động và tập luyện thường xuyên giúp cho khớp vai khỏe mạnh và phòng tránh được nguy cơ rách chóp xoay.
- Chú ý tư thế và cách tập luyện bả vai: khi làm việc quá lâu hãy tập thói quen kéo bả vai ra sau giúp giãn cơ vai, điều chỉnh lại tư thế ngồi thẳng, tránh khom cúi cổ quá lâu. Hoặc có thể thực hiện một số bài tập đơn giản giúp tăng cường các gân cơ vùng khớp vai.
- Không sử dụng các chất kích thích: thành phần nicotin trong thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Thuốc lá không chỉ gây nên các bệnh ý mà còn làm cho quá trình điều trị khó khăn hơn.
- Làm quen dần với những hoạt động nặng: khi đã được làm quen dần với những hoạt động nặng sẽ rèn luyện cho các gân cơ được dẻo dai khi gặp những hoạt động nặng sẽ tránh được sự tổn thương.
>>>Xem thêm
Các phương pháp điều trị rách chóp xoay
Có hai phương pháp điều trị đối với những người bị rách chóp xoay. Việc chọn phương pháp nào căn cứ vào nhiều yếu tố dựa theo đánh giá của bác sĩ về mức độ tổn thương, tuổi tác, cơ địa bệnh nhân, nhu cầu vận động, mong muốn về chất lượng cuộc sống của người bệnh,…
Phương pháp điều trị bảo tồn: Đây là phương pháp điều trị không có sự can thiệp dao kéo vào vị trí tổn thương. Mục đích nhằm phục hồi tầm vận động của khớp vai. Các biện pháp có thể được sử dụng như chườm lạnh, tập vật lý trị liệu, tiêm cortisone để giảm đau áp dụng trong các trường hợp:
- MRI có hình ảnh tổn thương nhỏ, triệu chứng không rầm rộ. Tiền sử chấn thương không rõ ràng.
- Các bệnh nhân bị hạn chế vận động khớp vai hay giả liệt cần thực hiện điều trị nội khoa và phục hồi chức năng để tăng cường sức cơ cũng như linh hoạt của khớp trước khi tiến hành phẫu thuật.
- Các trường hợp chống chỉ định với phẫu thuật.
- Rách cơ chóp xoay lớn và rất lớn khiến người bệnh chỉ có thể vận động được ít.
Phương pháp điều trị phẫu thuật: Là phương pháp ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại của nền y học có thể sử dụng phẫu thuật nội soi điều trị đa số tổn thương phần cơ chóp xoay đem lại hiệu quả tốt. Phương pháp này có ưu điểm ít xâm lấn, nguy cơ nhiễm trùng thấp, người bệnh sau khi phẫu thuật có sự phục hồi nhanh khi kết hợp với vật lý trị liệu. Và đặc biệt là khắc phục được tình trạng teo cơ Delta đối với mổ mở truyền thống. Sử dụng trong các trường hợp:
- Cơ chóp xoay bị rách do chấn thương nhưng chức năng khớp vai vẫn bình thường.
- Phương pháp điều trị bảo tồn được áp dụng 3 – 6 tháng nhưng không đem lại hiệu quả tốt, đau ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người bệnh.
- Cơ bị rách rộng ừ 3 cm trở lên.
Các bài tập ở nhà hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân rách chóp xoay
Dưới đây là các bài tập vật lý trị liệu rách chóp xoay nhằm phục hồi chức năng của các cơ và nhóm cơ bị tổn thương đem lại hiệu quả hỗ trợ tốt.
Dao động cánh tay
Mục đích tác động lên các cơ như cơ delta, cơ dưới gai, cơ trên gai, cơ dưới vai.
Cách thực hiện:
- Dùng tay không bị bệnh bám vào ghế hoặc bàn để lấy điểm cố định khi tập tay bệnh sẽ vận động được tự do ở bên thân mình.
- Dao động tay theo hướng lên trước ra sao, sang ngang và quay vòng tròn đều đặn. Cần lưu ý không dao động tay ra sau lưng và tránh bị giới hạn bởi khớp gối.
Bài tập vắt chéo tay trước ngực
Các bước tiến hành:
- Đưa cánh tay bị bệnh vắt chéo ra phía trước ngực rồi dùng tay lành bám vào phần trên khuỷu tay bệnh và kéo tối đa về bên lành làm cho cơ delta được kéo căng.
- Giữ tư thế này khoảng 30 giây rồi thư giãn và tiếp tục tập lại vài lần.
Bài tập kéo căng ở tư thế nằm
Các bước tiến hành:
- Người bệnh nằm nghiêng sao cho vai đau ở phía dưới, cánh tay vuông góc với người, khủy tay gấp 90 độ, đầu thoải mái.
- Sau đó dùng tay lành hỗ trợ tay đau xoay ép xuống giường hoặc sàn sao cho không gây đau. Giữ như vậy khoảng 30 giây rồi thực hiện lại động tác.
Bài tập co duỗi vai
Cơ chịu tác động là cơ thang giữa và dưới, cơ trên gai, cơ tròn nhỏ và cơ delta ngực.
Cách thực hiện:
- Người bệnh nằm ở trên giường cứng với cánh tay đau bên ngoài mép giường để có thể vận động được tự do.
- Sau đó từ từ nâng dần cánh tay với khuỷu tay thẳng, nâng cánh tay tới ngang mắt nếu có thể.
- Giữ như vậy khoảng vài giây rồi thư giãn và tiếp tục tập lại động tác này.
Bài tập xoay trong và ngoài
Bài tập này mục đích tác động lên các gân cơ delta, cơ dưới vai, cơ ngực.
Các bước tiến hành:
- Chuẩn bị tư thế nằm trên giường.
- Sau đó dang tay đau ra 90 độ so với thân và tay gấp khuỷu tay cho cánh tay vuông góc với cẳng tay, hướng các ngón tay lên trên. Vận động lên xuống từ từ tối đa góc 45 độ.
Bài tập xoay ngoài vai tư thế nằm nghiêng
Các cơ bị tác động : cơ trên gai, cơ tròn nhỏ và cơ delta sau
Cách thực hiện:
- Người bệnh nằm nghiêng trên nền cứng, tay đau ở phía trên, cẳng tay tạo với người 90 độ, bàn tay cầm một quả tạ tập vừa với sức của mỗi người.
- Từ từ nâng cẳng tay lên sao cho khớp vai và cánh tay đều xoay đến ngang mặt trên của cơ thể rồi mới từ từ hạ xuống. Chú ý không xoay cả phần lưng khi xoay tay và vai.
Bài tập xoay vai trong tư thế nằm nghiêng
Cơ bị tác động là cơ dưới vai và cơ tròn lớn.
Cách thực hiện:
- Nằm nghiêng trên mặt phẳng cứng sao cho tay đau ở phía trên, cánh tay sát với thân mình, cẳng tay tạo với người một góc 90 độ, bàn tay cầm tạ phù hợp với sức lực mỗi người.
- Sau đó từ từ nâng cẳng tay lên ngang người rồi xoay cánh tay và vai. Trở về vị trí ban đầu và tập lặp lại nhiều lần.
Sau khi hồi phục khớp vai, các bài tập vật lý trị liệu rách chóp xoay này nên thực hiện thường xuyên để duy trì chức năng hoạt động của khớp vai. Nếu bạn chăm chỉ luyện tập thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng.