Bại não ở trẻ em là căn bệnh đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực không chỉ riêng đứa trẻ mà còn cả người chăm sóc. Tuy bệnh không tiến tiển nặng lên nhưng cần phải điều trị để hạn chế những thiếu sót không đáng có của đứa trẻ. Vật lý trị liệu cho trẻ bại não có một tầm rất quan trọng trong phục hồi các vấn đề này.
Nội dung bài viết
Những điều cần biết về bệnh bại não ở trẻ
Bại não là một loại bệnh lý do tổn thương một hay nhiều phần não bộ dẫn tới các tác động về thần kinh, vận động. Tuy bệnh không có tiến triển nhưng lại để lại di chứng suốt đời ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của không chỉ bản thân đứa trẻ bị bệnh mà còn gây khó khăn cho người chăm sóc.
Nguyên nhân của chứng bệnh này đa phần là do từ lúc trong bào thai, lúc còn sơ sinh đã gặp những bất thường từ người mẹ hoặc sau sinh khoảng một, hai năm trẻ bị một nguyên nhân nào đó tác động vào làm ảnh hưởng đến chức năng của não bộ. Một vài nguyên nhân chính có thể kể đến như:
- Do trong thời gian thai kỳ, người mẹ hay bị các viêm nhiễm như tiết niệu, sinh dục hoặc thậm chí nhiễm trùng ối làm cho bào thai bị tổn thương.
- Thiếu oxy máu não bào thai do một số bệnh lý về nhau thai như rau bong non, rau tiền đạo hoặc suy nhau thai làm khả năng cung cấp dinh dưỡng và oxy máu lên bào thai bị giảm sút dẫn tới tổn thương não bộ của bào thai.
- Do sinh non hoặc gặp tai biến trong lúc sinh đẻ như rau quấn cổ, đẻ khó dẫn tới trẻ bị ngạt trong lúc sinh …hay sang chấn trong lúc sinh có sử dụng các loại dụng cụ hỗ trợ sinh đẻ như giác hút, forceps…
- Do di truyền từ mẹ sang con hoặc trong thời gian mang thai người mẹ sử dụng thuốc không được sự cho phép của bác sỹ.
- Sau sinh trẻ bị mắc các chứng như sốt cao co giật, vàng da nhân, xuất huyết não sau sinh, hạ đường huyết…cũng là những yếu tố có ảnh hưởng đến não bộ.
Vậy biểu hiện chung của trẻ bị bại não là gì? Những trẻ bị bại não thường có những biểu hiện bất thường như vận động tay chân, trương lực cơ yếu, ngôn ngữ chậm phát triển, dáng đi không được như bình thường, các cử động không được linh hoạt. Tùy ở từng mức độ bệnh, thể bệnh của bại não mà có sự ảnh hưởng khác nhau và tùy độ tuổi mà thấy rõ nhất được vấn đề trẻ gặp phải. Các thể của bại não:
- Thể co cứng: chiếm 70% trong các thể của bại não. Ở thể này, cơ của người bị bại não thường cứng hơn so với bình thường nên khi hoạt động cũng khó khăn hơn.
- Thể múa vờn: thể này trương lực cơ rất kém, người bệnh thường bị ảnh hưởng đến sự thăng bằng, các động tác rất khó phối hợp được với nhau do trẻ không chủ động được hành động của mình.
- Thể phối hợp: là sự kết hợp của cả 2 thể trên.
- Thể thất điều: khó kiểm soát về dáng đi, làm những động tác kém linh hoạt hơn bình thường.
Ngoài những triệu chứng bất thường trên, bại não còn có thể đi kèm thêm với những rối loạn về trí tuệ, thể chất, tinh thần do ảnh hưởng từ não bộ gây ra. Vì vậy chúng ta cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não từ sớm.
Cách chăm sóc trẻ bại não
Khi trẻ bị bại não, việc đầu tiên cần làm là đứa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên về điều trị phục hồi chức năng để hạn chế những bất thường do tổn thương từ não bộ. Bên cạnh đó ngoài điều trị tích cực thì việc chăm sóc cho trẻ bại não cũng tích cực góp phần làm trẻ tiến triển từng ngày. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bại não:
- Rèn luyện tư thế cho trẻ: do chúng không có khả năng điều chỉnh đúng tư thế nên người chăm sóc cần rèn luyện thói quen này thường xuyên cho trẻ. Thường xuyên chú ý những tư thế sai lệch để kịp thời nắn chỉnh sao cho đúng với bình thường, lâu dần trẻ sẽ quen với điều này mà quên đi tư thế ban đầu. Có thể sử dụng các dụng cụ để hỗ trợ luyện tập cho trẻ.
- Nói chuyện với trẻ nhiều hơn: Như đã nói ở trên, trẻ bị bại não thường sẽ không có những biểu hiện bất thường về cử động mà còn bất thường về trí tuệ, tinh thần. Thường xuyên giao tiếp với trẻ giúp cho việc trị liệu ngôn ngữ, trí tuệ được cải thiện. Có thể cho trẻ tiếp xúc với nhiều người để khả năng này được phát huy tối đa.
- Chăm sóc về ăn uống: Những trẻ bại não thường rất hay gày còn, ốm yếu vì thế mà cần chú ý nhiều đến chế độ ăn hàng ngày cho trẻ. Nên lập kế hoạch ăn uống mỗi tuần một lần để cân đối giữa các thành phần dưỡng đảm bảo được chế độ ăn tốt nhất cho trẻ. Nên cho trẻ ăn những loại thức ăn mềm, dễ nuốt tránh bị nôn trớ do kích thích phản xạ thành họng.
- Kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ: từ việc tắm, đi vệ sinh, ngủ…cũng cần quan tâm hết mực để cải thiện nhanh tình trạng bệnh.
>>>Xem thêm
Các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não
Dưới đây là các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não:
Bài tập 1
Mục đích của bài tập này là giúp tạo thuận vận động của các khớp cho trẻ bại não.
Cách thực hiện:
Cho trẻ nằm ngửa trên giường, dùng tay cầm tay trẻ làm các động tác gập duỗi các khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay nhẹ nhàng vài phút rồi đổi sang tay bên kia. Làm tương tự đối với 2 bên chân của trẻ để vận động co duỗi các khớp gối, cổ chân và dạng khép đối với khớp háng. Thực hiện lặp lại nhiều lần trong ngày để cho các gân cơ được co duỗi tốt.
Bài tập 2
Mục đích giúp trẻ có thể tạo thuận nâng đầu và co duỗi thân mình.
Cách thực hiện:
Cho trẻ nằm sấp trên giường sao cho đầu gối co vào. Dùng tay không thuận giữ phần mông để cố định, tay thuận day ấn nhẹ nhàng theo dọc hai bên cột sống từ trên xuống dưới. Chú ý day ấn với lực vừa phải tránh cho trẻ bị đau. Thực hiện lặp lại nhiều lần động tác này để cho các cơ vùng lưng được co giãn tốt.
Bài tập 3
Bài tập này dành cho những trẻ bị bại não có dấu hiệu vẹo lệch sang một bên, mục đích đưa đầu trẻ về vị trí trung tâm.
Cách tiến hành:
Cho trẻ nằm ngửa trên giường hoặc sàn nhà, người thực hiện ngồi phía đối diện bên dưới chân cuả trẻ. Sau đó dùng 2 tay đỡ lấy phần chẩm ở dưới đầu trẻ và nâng từ từ lên cao đồng thời 2 cẳng tay tỳ đè xuống hai vai để tránh cho thân bị nhấc theo đầu.
Thực hiện động tác nhiều lần trong ngày, mỗi lần tập khoảng 15 phút.
Bài tập 4
Một bài tập khác cũng có tác dụng điều chỉnh đầu về vị trí trung tâm, nhưng bài này có thêm dụng cụ hỗ trợ là một quả bóng.
Cách thực hiện:
Sử dụng một quả bóng to rồi cho trẻ nằm sấp trên bóng, hai chân duỗi và dạng ra ngoài. Người thực hiện ngồi phía sau trẻ, giữ hai khớp gối để lấy điểm bám cố định rồi đẩy nhẹ người trẻ tiến lên phía trước rồi lại kéo ra sau và xoay sang hai bên trái phải theo độ lăn của bóng. Có thể đặt đồ chơi cho trẻ với để kích thích trẻ ngẩng đầu và với tay lên phía trước. Thực hiện động tác này thường xuyên sẽ giúp khỏe cơ duỗi cổ và lưng.
Bài tập 5
Mục đích của bài tập giúp trẻ giữ được tư thế thăng bằng.
Cách thực hiện:
Để trẻ ngồi thoải mái, người tập cho trẻ ngồi phía sau, rồi dùng tay giữ cố định vào vai của trẻ rồi đẩy ra phía trước – sau và sang hai bên trái phải.
Thực hiện nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả cao.
Ngoài các bài tập trên có tác dụng chống co cứng, giãn cơ ra thì ở mỗi độ tuổi khác nhau chúng ta cần tập cho trẻ những chức năng như một đứa trẻ bình thường. Ví dụ như giữ thăng bằng, tập bò, tập đứng, tập đi và thực hiện một số sinh hoạt thường bao gồm cả ăn uống, vui chơi. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các trẻ bại não, để các em có một cuộc sống gần nhất giống với những trẻ em khác.
Các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bại não có rất nhiều nhưng bạn cần biết cách vận dụng động tác nào, nhằm mục đích gì lại là vấn đề cần quan tâm. Trên đây chúng tôi chỉ nêu vài bài tập chung nhất mà ở thể nào của bại não cũng có tác dụng cải thiện bệnh.