Khớp khuỷu tay là một khớp nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thường ngày cũng như công việc. Khi gặp các vấn đề về khớp khuỷu nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời rất có thể sẽ gây ra các biến chứng phiền phức khác. Trong lúc điều trị cũng nên kết hợp thêm các bài tập vật lý trị liệu khớp khuỷu tay để hiệu quả được nhanh hơn.
Nội dung bài viết
Các vấn đề thường gặp ở khớp khuỷu
Đau khớp khuỷu có thể là đau đơn thuần hoặc là triệu chứng của một bệnh lý nào đó do nhiều các nguyên nhân. Đa phần nguyên nhân chính thường là do các kiểu chấn thương lên vùng khuỷu hoặc do hiện tượng ở khớp như thoái hóa, viêm sụn, viêm hoặc giãn dây chằng khớp khuỷu mà khi vận động gây đau cho bệnh nhân.
Trên thực tế, các vấn đề gặp ở khớp khuỷu rất ít khi chỉ do nguyên nhân đơn thuần mà thường là do các bệnh lý ở cơ xương khớp gây nên. Ngoài điều trị chuyên khoa bạn cũng có thể tập vật lý trị liệu khớp khuỷu tay tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đây là một vài các vấn đề hay gặp nhất:
- Viêm lồi cầu trong và ngoài xương cánh tay: thường gây đau cho bệnh nhân khi vận động cầm nắm hoặc mang vác một vật nặng do phần gân cơ bám ở mặt trong và ngoài lồi cầu xương cánh tay.
- Viêm bao hoạt dich khớp: nguyên nhân thường do áp lực lên khớp làm cho phần bao hoạt dịch bên trong bị sưng viêm, nóng đỏ và gây đau cho bệnh nhân.
- Viêm khớp: là tình trạng viêm các gân dây chằng xung quanh khớp kết hợp với tình trạng thoái hóa khớp. Thường những người vị viêm khớp khi ở giai đoạn cấp sẽ rất đau và không cử động được.
- Thoái hóa khớp: do tình trạng thoái hóa sụn, mọc gai xương hoặc các mô liên kết bị hủy hoại dẫn tới thoái hóa khớp có thể gây đau nhức âm ỉ, cứng khớp, khi cử động có tiếng lạch cạch tại khớp.
- Bong gân: do đột ngột làm động tác nhanh và mạnh hoặc mang vác nặng sai cách khiến cho phần dây chằng quanh khớp bị tổn thương vì giãn ra đột ngột mà gây đau cho người bệnh.
- Chấn thương: đau khớp khuỷu trong trường hợp này thường do tai nạn ngã hoặc do va đập vật cứng vào khớp khuỷu dẫn tới làm tổn thương phần mô mềm xung quanh, thậm chí trong trường hợp nặng có thể gây nát hoặc gãy xương.
- Hoại tử khớp: do phần dịch ổ khớp viêm nhiễm vi khuẩn không được điều trị sớm gây nên hủy hoại khớp. Trường hợp này thường do nguyên nhân khi làm các thủ thuật có xâm lấn bên trong khớp mà dụng cụ không được tiệt khuẩn 100%, vi khuẩn từ đó mới gây nên bệnh tuy nhiên trường hợp này rất ít gặp.
Làm gì để phòng tránh các vấn đề của khớp khuỷu tay
Khi gặp các vấn đề về khớp khuỷu người bệnh không chỉ thấy đau nhức mà còn bị ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt . Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cần phải điều trị để phòng tránh các biến chứng nặng khác như mất khả năng vận động, biến dạng khớp, cứng khớp…
Như đã nói ở trên đa phần các vấn đề ở khớp khuỷu tay là do bị tổn thương ở khớp hoặc các tổ chức xung quanh khớp từ việc hoạt động quá nhiều làm tăng áp lực mà gây nên sự tổn thương lên khớp. Để phòng ngừa được những vấn đề này bạn nên chú ý những điều sau:
- Thay đổi cách sử dụng các dụng cụ thể thao phù hợp với người chơi và thời gian hoạt động nên giảm bớt để cho các gân cơ khớp được nghỉ ngơi, thư giãn.
- Trước khi hoạt động thể thao nên tập khởi động nhẹ nhàng trước khoảng 5 đến 10 phút để cho gân cơ và dây chằng được dẻo dai và quen dần với những hoạt động tiếp theo.
- Nên giảm tần suất các hoạt động lại vì sẽ không thường xuyên làm tác động đến khớp liên tục, từ đó mà áp lực lên khớp cũng được giảm bớt.
- Bổ sung chế độ ăn hàng ngày hoặc uống thêm cái loại thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ, bảo vệ khớp và ngăn ngừa tình trạng thoái hóa.
- Không nên mang vác đồ quá nặng sai cách hoặc hoạt động quá mạnh đột ngột sẽ khiến cho khớp không bị tổn thương.
- Khi gặp phải vấn đề cần đi gặp bác sỹ ngay để được tư vấn và điều trị sớm.
- Chăm chỉ tập luyện các bài tập đơn giản để làm tăng khả năng chịu đựng của gân cơ.
- Bảo vệ khớp khuỷu khi chơi các hoạt động thể thao.
>>>Xem thêm
Một số bài tập vật lý trị liệu khớp khuỷu tay
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết các bài tập vật lý trị liệu khớp khuỷu tay:
Bài tập chống đẩy
Người tập đứng trước một bức tường sao cho cách chân tường khoảng 40 đến 50 cm. Dùng hai tay đặt lên tường rồi dùng sức để làm động tác chống đẩy liên tục, chú ý giữ cho thân người thẳng và không được cố ưỡn người về phía trước. Thực hiện động tác liên tục đến khi thấy mỏi tay thì dừng lại thư giãn rồi lại tập lại như vậy khoảng 10 lần.
Với bài tập chống đẩy này có nhiều cách để thực hiện. Bạn có thể tập chống đẩy trên sàn nhà, bàn gỗ hay bất cứ thứ gì có thể làm điểm tựa cố định chắc chắn khi chống đẩy.
Bài tập nâng tạ
Bài tập này giúp làm mạnh gân cơ gấp duỗi khuỷu tay với những mức độ khác nhau. Tùy thuộc vào khả năng của mỗi người mà chọn những loại tạ theo cân nặng 1kg, 2kg hoặc 3kg, không nên chọn loại tạ quá nặng vì khi tập dễ gây mỏi cơ và mỗi lần tập luyện sẽ không thực hiện bài tập được thời gian lâu dài. Bệnh nhân sử dụng một trong các loại tạ sau đó nhấc lên để ở tư thế ngang bằng vai rồi làm động tác gấp duỗi. Làm tới khi mỏi tay thì dừng sau đó lại tập tiếp.
Bài tập xoay khớp khuỷu
Người tập đứng thẳng dang rộng chân ngang bằng vai, sau đó giơ ngang hai cánh tay sang hai bên vuông góc với thân mình để khi làm động tác xoay không bị vướng. Thực hiện xoay tròn khớp từ phải qua trái và ngược lại. Thực hiện nhiều lần trong ngày để tăng hiệu quả điều trị.
Bài tập làm mạnh gân cơ vùng khuỷu
Người tập ngồi trên giường hoặc ghế thả hai chân xuống đất. Dùng một sợi dây thun dài khoảng 2 mét có tính đàn hồi sau đó để một chân lên đoạn giữa của dây chun chân còn lại để thả lỏng tự nhiên dưới đất. Hai tay cầm hai đầu dây kéo một lực lên trên đồng thời chân đặt trên dây đè lực xuống để tạo lực đối nhau. Thực hiện như vậy cho đến khi tay mỏi rồi thư giãn và tiếp tục tập lại.
Bài tập ném bóng
Người tập đứng cách một bức tường khoảng 2 mét, rồi dùng một quả bóng ném vào bức tường. Khi bóng bật ra thì tóm lấy quả bóng và làm liên tục như vậy cho tới khi bắt đầu thấy mệt thì nghỉ rồi tiếp tục tập trong thời gian 20 phút mỗi lần. Hàng ngày có thể tập vài lần nếu như có thời gian sẽ rất tốt.
Các bài tập vật lý trị liệu khớp khuỷu tay không chỉ giúp hỗ trợ nhanh quá trình điều trị mà nếu thực hiện thường xuyên có thể giúp cho gân cơ được dẻo dai, mạnh khỏe và tăng khả năng chịu đựng khi có tác động xấu lên vùng khuỷu.