Nội dung bài viết
Thế nào là đường cong sinh lý cột sống cổ bình thường ?
Nối giữa đầu và thân của người là phần cổ, để có thể nâng đỡ được đầu phần cổ phải nhờ đến hệ thống cơ và xương cột sống rất chắc khỏe.
Phần cột sống cổ là gồm 7 đốt sống cổ từ C1 đến C7.
Các đốt sống cổ bình thường
Cột sống cổ có thân dẹp, bề ngang phía trước dày hơn phía sau, đỉnh lõm mỏm gai tách thành hai củ, mỏm gai ngang dính vào thân, vào cuống, có một số lỗ ngang để mạch đốt sống chui qua, mạch trên của mỏm ngang có rãnh thần kinh gai sống.
Lỗ đốt sống hình tam giác và rộng hơn các lỗ đốt sống khác, để chữa đoạn phình cổ của tủy gai và thích ứng với tiến độ di động lớn của đoạn sống cổ.
Đặc điểm riêng từng đốt sống:
- C1 còn có tên là đốt đội ( atlat) : nâng đỡ hộp sọ, có hình tròn dẹp, thân đốt sống không rõ và lỗ đốt rất rộng, đảm bảo cho hộp sọ có thể quay chuyển được dễ dàng. Đốt sống này sờ khó thấy.
- C2 còn có tên là đốt trục (Axis): có hình khuyên tròn, phía trên và trước khuyên này lồi lên một mỏm gọi là mỏm xương khế, đốt sống này dày, rất khỏe, sờ thấy rõ
- Đốt C2 khớp với C1 giúp cho hộp sọ chuyển động quay phải, quay trái, cúi, ngửa được dễ dàng
- C3: đưa về phía trước
- C4: đưa về phía trước sâu nhất, sờ khó thấy
- C5: hơi đưa ra sau
- C6: là đốt lồi trên
- C7 đốt cuối cùng của 7 đốt sống cổ, là đốt lồi dưới, gai sống cao nhất và mõm không trẻ đôi.
Đường cong cột sống cổ bình thường
Vì vậy đốt sống theo sinh lý sẽ là hơi cong về phía trước, cong nhất ở phần C4 và lồi ra sau cao nhất ở C7.
Khi 1 hoặc nhiều đốt sống bị lồi lệch lõm làm mất đường cong bình thường… sẽ dẫn đến cột sống cổ bị mất đường cong sinh lý.
Nguyên nhân dẫn đến mất đường cong sinh lý
Cột sống cổ mất đường cong sinh lý do rất nhiều nguyên nhân gây ra như ngủ sai tư thế, thoái hóa cột sống, u xương, chấn thương, ngồi sai tư thế, bẩm sinh…
Ngủ sai tư thế: Người bệnh do ngủ quen trong tư thế vẹo cổ, gối đầu quá cao, hoặc trong khi ngủ bị đồ vật chèn vào cổ… lâu ngày dẫn đến các cơ cạnh cột sống phải co lại để thích nghi với tư thế ngủ đó dẫn đến các đốt sống cổ cũng bị cong vẹo theo.
Thoái hóa cột sống: thoái hóa cột sống khiến cho cột sống bị biến dạng, mọc các gai xương, sai lệch các khớp sống…dẫn đến mất đường cong sinh lý cho cột sống cổ. Chủ yếu hay gặp ở người cao tuổi, nhưng cũng có những trường hợp gặp ở người trẻ nhưng ít hơn, thoái hóa cũng là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên cột sống cổ bị mất đường cong sinh lý.
Ngồi sai tư thế: hay gặp ở những người trẻ phải làm việc văn phòng, ngồi làm việc bằng máy vi tính thường xuyên, học sinh ngồi học sai tư thế, cũng gây nên mất đường cong sinh lý.
Chấn thương: Một số trường hợp bị chấn thương cũng dẫn đến cột sống cổ mất đường cong sinh lý.
Còn lại những nguyên nhân như u xương, hay bẩm sinh thì ít gặp hơn.
Triệu chứng
Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng . Tuy nhiên nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Đau: Người bị cong vẹo cột sống cổ thường thấy đau ê ẩm hoặc đau buốt vùng cổ, có khi đau lan lên đầu hoặc lan xuống 2 vai
Hạn chế vận động: Xoay trái xoay phải khó khăn, hay bị cứng cổ vai gáy sau khi ngủ dậy.
Rối loạn tư thế, dị dạng cổ tác động xấu đến tâm lý của người trẻ.
Thiếu máu não: khi cột sống cổ bị biến dạng khiến cho lượng máu lên não bị hạn chế.
Phòng và điều trị bệnh
Phòng bệnh
Những trường hợp nhẹ hoặc chưa bị thì phòng bệnh là hết sức quan trọng
Với học sinh hay người làm việc văn phòng thì cố gắng ngồi đúng tư thế, với học sinh thì cần ngồi thẳng lưng giữ cho đầu ngúi vừa phải, nếu phải làm việc với máy vi tính trong thời gian dài thì bạn nên vận động quay cổ mỗi 30 phút/ 1lần để các cơ và đốt sống cổ được thư giãn. Không nên học và làm việc lâu trong một tư thế.
Thay đổi tư thế ngủ hợp lý: với những người bị vẹo cột sống cổ do ngủ sai tư thế thì thay đổi tư thế ngủ rất quan trọng, 1 tư thế ngủ đúng với chiếc gối hợp lý vừa giúp giảm tình trạng cong vẹo cột sống cổ vừa giúp bản thân người ngủ có một giấc ngủ thoải mái không mệt mỏi sau khi ngủ dậy.
Với những người bị thoái hóa : Tốt nhất vẫn là vận động thể dục nhẹ nhàng cho vùng cổ, bạn có thể nghiêng trái nghiêng phải và xoay tròn một cách nhẹ nhàng sẽ giúp vùng cổ thoải mái hơn, máu lưu thông tốt hơn, giúp giảm triệu chứng đau và giúp cột sống cổ được vận động dễ dàng hơn.
Với những người bị chấn thương, u xương thì ta nên đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ một cách tốt nhất.
Điều trị
Có rất nhiều phương pháp giúp hỗ trợ điều trị cột sống cổ mất đường cong sinh lý như ngoại khoa, thuốc tây y hoặc đông y, tác động cột sống, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, tập luyện…
Ngoại khoa: phẫu thuật chỉnh lại cột sống cổ hiện nay vẫn còn rất hạn chế vì đây là loại phẫu thuật khó và cần nhiều kỹ thuật cao
Dùng thuốc tây y: người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc chống viêm, giảm đau để hạn chế triệu chứng đau
Thuốc đông y: có tác dụng lưu thông khí huyết giúp giảm đau rất hiệu quả
Tác động cột sống: là một phương pháp giúp hỗ trợ rất tốt cho người bị cong vẹo cột sống cổ
Xoa bóp bấm huyệt và châm cứu : là những phương pháp cổ giúp khai thông kinh lạc, giãn cơ, chỉ thống…hỗ trợ rất tốt khi áp dụng điều trị đau do cột sống cổ cong vẹo gây ra.
Tập luyện : với những người bị cong vẹo cột sống cổ thì tập luyện thường xuyên phần sẽ hỗ trợ điều trị rất tốt, tập luyện và tạo thói quen để cột sống trở lại đường cong sinh lý của nó.
Kết luận
Trên đây chỉ là một số thông tin về chứng cột sống cổ bị mất đường cong sinh lý để mọi người có thể tham khảo trong phòng cũng như điều trị chứng bệnh này.
Khuyên bạn để xác định và đều trị đúng, bạn nên đến các cơ sở y tế để có được lời khuyên tốt nhất.
Chúc mọi người luôn mạnh khỏe và bình an trong cuộc sống !