Khi mới phát hiện bị tiểu đường, chắc hẳn bạn đã rất lo lắng vì phải thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày. Ăn nhiều thì sợ đường huyết tăng cao, ăn ít lại lo cơ thể bị đói. Vậy làm sao để xây dựng một chế độ ăn cùng lúc giải quyết 2 vấn đề này? 5 nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường mới mắc sau chính là chìa khóa cho bạn.
Đây là 5 nguyên tắc được đưa ra bởi BS Nguyễn Huy Cường, nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường, bệnh viện Nội tiết TW, một trong những chuyên gia có hơn 25 năm kinh nghiệm điều trị bệnh tiểu đường.
Nội dung bài viết
Quy tắc 1: Chế độ ăn cần làm giảm đường huyết sau ăn 2h
Hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường mới mắc được đánh giá thông qua chỉ số đường huyết khi đói và sau ăn 2 giờ. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh hiện nay đều chỉ xây dựng chế độ ăn làm sao giảm được đường máu khi đói mà bỏ quên chỉ số đường máu sau ăn. Theo BS Nguyễn Huy Cường (Nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường, bệnh viện Nội tiết TW) điều này rất sai lầm. Bởi nếu đường huyết sau ăn không giảm, người bệnh vẫn có nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm.
Chỉ số đường huyết sau ăn sẽ phụ thuộc vào loại thực phẩm, cách chế biến, khối lượng thức ăn và các món ăn cùng. Vì vậy cách đơn giản nhất để thực hiện nguyên tắc này là khi ăn 1 thực phẩm, 1 món ăn hay 1 thực đơn mới, bạn hãy kiểm tra đường huyết sau ăn 2 giờ. Nếu đường máu sau 2 giờ dưới 10 mmol/l tức là thực đơn của bữa đó đang ổn. Ngược lại, bạn sẽ cần giảm lượng thức ăn trong các bữa tiếp theo.
Quy tắc 2: Không gây hạ đường huyết tại thời điểm xa bữa ăn
Nếu bị hạ đường huyết (đói, vã mồ hôi, run rẩy, chóng mặt…) tại thời điểm xa bữa ăn, điều đó chứng tỏ chế độ ăn của bạn chưa thực sự tốt. Hạ đường huyết thường xuyên sẽ gây suy giảm chức năng não bộ vì đây là cơ quan sống bằng đường. Điều này cũng khiến đường huyết bị dao động quá nhiều, từ đó tăng nguy cơ xảy ra biến chứng.
Để không bị hạ đường huyết giữa các bữa ăn, bạn cần không ăn kiêng quá mức, không nhịn ăn. Nếu giữa ngày thấy đói, bạn hoàn toàn có thể ăn bữa phụ bằng trái cây, sữa ít béo hay yến mạch…
Quy tắc 3: Chế độ ăn giúp duy trì cân nặng hợp lý
Đây là nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường mà nhiều người bỏ qua. Bởi hầu hết đều chỉ tập trung làm sao ăn kiêng để đường huyết giảm nhanh. Tuy nhiên ăn kiêng quá mức, cân nặng giảm xuống dưới ngưỡng cho phép, sức đề kháng cũng sẽ giảm theo. Hậu quả là người bệnh bị mệt mỏi và dễ gặp biến chứng hơn.
Nếu đang thiếu cân, bạn phải có thực đơn tăng cân (ăn giảm tinh bột nhưng tăng chất đạm, chất béo tốt) còn nếu thừa cân phải ăn sao cho cân nặng giảm xuống. Để biết cân nặng của mình có ổn chưa, bạn hãy tính chỉ số khối cơ thể BMI:
BMI = Cân nặng (kg) : Chiều cao (m) : Chiều cao (m)
Ví dụ: Một người cao 1m55, cân nặng 53kg có chỉ số BMI là 53 : 1.55 : 1.55 = 22. BMI < 18.5 là thiếu cân và > 24.9 là thừa cân.
Quy tắc 4: Không làm tăng cơ hội cho biến chứng phát triển
Không phải người tiểu đường mới mắc thì nguy cơ bị biến chứng sẽ thấp. Thống kê cho thấy 50% người tiểu đường bị biến chứng ngay tại thời điểm chẩn đoán. Vì thế, chế độ ăn hàng ngày cũng cần được điều chỉnh để không làm cho biến chứng phát triển.
Dưới đây là 3 thói quen ăn uống bạn cần bỏ ngay để không làm cho biến chứng tiểu đường đến sớm hơn:
- Kiêng hoàn toàn đồ ngọt: Khi chúng ta kiêng ngọt, cơ thể sẽ có khuynh hướng ăn mặn hơn. Đó là do sự chuyển hóa trong não bộ của con người. Điều này làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Kiêng hoàn toàn chất béo: Đường huyết cao thường đi kèm mỡ máu nên nhiều người tiểu đường không dám ăn chất béo. Tuy nhiên, ăn chất béo với lượng vừa phải (không gây thừa cân) sẽ có lợi vì sẽ làm chậm quá trình hấp thu đường.
- Kiêng hoàn toàn trái cây: Điều này dễ khiến cơ thể bị thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B. Thiếu vitamin B là nguyên nhân thúc đẩy biến chứng thần kinh (tê bì, nóng rát, khô ngứa da…).
Quy tắc 5: Chế độ ăn cho người tiểu đường cần đơn giản, dễ áp dụng
Một chế độ ăn phức tạp hoặc kiêng khem quá mức sẽ khiến bạn dễ bị stress (căng thẳng). Điều này thậm chí làm tăng đường huyết nhanh hơn so với việc ăn uống không kiêng khem. Vì thế, bạn nên thay đổi chế độ ăn đổi từ từ, ăn giảm từng chút một.
Một số mẹo ăn uống mà bạn có thể áp dụng để giảm đường huyết tốt hơn mà không phải kiêng khem là:
- Ăn đúng giờ để giúp cơ thể có “thói quen” tiết insulin giảm đường huyết tốt hơn.
- Ăn đúng cách (ăn đĩa con rau trước, sau đó mới ăn đến cơm và thức ăn).
- Ăn đúng lượng (ăn không quá no nhưng cũng không để quá đói).
Trên đây là 5 nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người tiểu đường. Để tìm hiểu chi tiết thực phẩm nào nên ăn nên kiêng hay thực đơn mẫu hàng ngày, bạn hãy tham khảo tư vấn chi tiết của BS Nguyễn Huy Cường trong bài viết: Cẩm nang chế độ ăn khoa học cho người tiểu đường.
Cùng với chế độ ăn uống, tập thể dục và sử dụng thuốc thì sử dụng thêm sản phẩm bổ sung như Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hộ Tạng Đường, không chỉ hỗ trợ hạ đường huyết, hỗ trợ giảm cholesterol máu mà còn hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, thần kinh ở người bị đái tháo đường.
Tham khảo phần mục tiêu điều trị của Bộ Y Tế: http://daithaoduong.kcb.vn/wp-content/uploads/2021/02/Quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-5481-ban-hanh-H%C6%B0%E1%BB%9Bng-d%E1%BA%ABn-ch%E1%BA%A9n-%C4%91o%C3%A1n-v%C3%A0-%C4%91i%E1%BB%81u-tr%E1%BB%8B-%C4%91%C3%A1i-th%C3%A1o-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%C3%ADp-2.pdf (trang 18)